Hôm ấy, lần đầu tiên tôi được nghe cô giáo chủ nhiệm của con trò chuyện. Một bà giáo già với khuôn mặt nhân hậu và giọng nói truyền cảm. Bà giáo tâm tình nhiều chuyện về con trẻ.

 “Năm nay là năm cuối cùng tôi được làm một người giáo viên, được đứng trên bục giảng, được giảng dạy cho các cháu trong một ngôi trường tôi đã có gần 30 năm gắn bó là một niềm vui rất lớn trong những năm cuối cùng của đời người giáo viên. Tiếp nhận các cháu từ lớp 2 lên, tôi nhận thấy các cháu đều có học lực tốt, thành thạo các kỹ năng… Tuy nhiên cũng có một số vấn đề từ các cháu mà tôi nghĩ tôi với trách nhiệm là một người giáo viên và quý vị phụ huynh, những người cha, người mẹ, ông bà của các cháu hãy cùng suy nghĩ.
Qua hai tháng theo dõi tôi nhận thấy rằng, các cháu học rất tốt môn toán nhưng không học tốt môn Tiếng Việt. Giờ tập làm văn là giờ học nặng nề với các cháu vì các cháu không thích. Các cháu không có vốn từ để sử dụng hoặc các cháu không hiểu nghĩa của từ sử dụng. Các cháu viết nhưng không thể diễn đạt được ý của mình. Rất nhiều câu văn tối nghĩa trong bài tập làm văn. Sự thiếu vốn từ tôi nghĩ một phần xuất phát từ cuộc sống các cháu ít quan sát, ít tiếp xúc với thế giới chung quanh. Cha mẹ bận rộn, anh chị bận học, bạn của các cháu là tivi với các chương trình truyền hình, hoặc truyện tranh, hoặc ham mê vi tính. Ngoài giờ học là những buổi học thêm, đâu còn thời gian quan sát thế giới chung quanh để tích lũy ngôn ngữ và cảm nhận cuộc sống.
Bên cạnh đó, các cháu phần lớn đều có chung một lối suy nghĩ, đó là luôn ỷ lại, dựa dẫm vào cha mẹ, ông bà. Các cháu thích dựa dẫm từ cái nhỏ đến cái lớn. Các cháu không có thói quen hành động một cách độc lập và nỗ lực hết sức mình để hoàn thành công việc. Có thể chúng ta, đặc biệt là các bậc cha mẹ đã quá thương yêu trẻ, làm hết tất cả các công việc, không cho trẻ động chân, động tay vào việc gì, khiến cho trẻ luôn có thói quen dựa dẫm. Ở lớp, tôi cố gắng dạy cho trẻ biết cách dọn dẹp chăn gối, giường chiếu sau mỗi buổi ngủ trưa và trẻ đã thật sự thích thú về điều đó. Các anh chị hãy động viên và dạy cho trẻ biết “làm”. Dù là những việc rất nhỏ nhưng sẽ là hành trang cho cháu bước vào đời sau này bởi vì chúng ta không đi cùng các cháu mãi mãi.
Qua công tác dạy dỗ tôi cũng nhận thấy trẻ con bây giờ không biết quý trọng tài sản của mình. Ngày nay trẻ em đến trường có đầy đủ vật dụng phục vụ cho việc học tập. Rất nhiều đồ dùng rất đắt tiền. Nhưng, các cháu không biết quý những tài sản đó. Nhiều học sinh giẫm chân lên cả ba lô, túi xách của mình làm tôi vô cùng ngạc nhiên. Nếu cháu chỉ giẫm lên túi xách của bạn còn có thể giải thích được, nhưng là “của mình” chúng vẫn làm thế là điều không thể hiểu nổi. Hay là chúng ta đã “dễ dàng mua cho trẻ những thứ mà trẻ cần” nên trẻ không hiểu được rằng các đồ dùng đó rất có giá trị do đó khi sử dụng phải biết gìn giữ nó; hay là chúng biết rằng, nếu phá hỏng vật dụng này sẽ được mua một thứ mới hơn, đẹp hơn, sành điệu hơn. Có thể ai trong chúng ta cũng hiểu rằng từ những vật dụng nhỏ hôm nay trẻ không hề biết gìn giữ thì trong tương lai trẻ có thể sẵn sàng vứt bỏ cả gia sản của chúng, nếu chúng muốn.
Xin hãy yên tâm mà gởi con cho tôi, bởi với tôi mẹ cũng là cô giáo và cô giáo cũng là mẹ. Tôi sẽ chăm sóc các cháu như chính những đứa con của mình. Tôi đến trường từ 6h sáng để đón các cháu, dạy dỗ chăm cháu từng bữa ăn, giấc ngủ, để 5h chiều trở về nhà và lòng vẫn đầy trăn trở: trẻ em bây giờ khó dạy hơn ngày xưa…”.
Những lời tâm sự của cô giáo tuy nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc. Một cô giáo đã đứng trên bục giảng từ năm 1978, với kinh nghiệm gần 35 năm giảng dạy, chia sẽ của cô như những bài học kinh nghiệm quý giá để không ít quý vị phụ huynh phải tự hỏi: chúng ta yêu con trẻ nhưng chúng ta đã chăm sóc và dạy dỗ con một cách đúng đắn hay không?
Nhiều năm trôi qua, cô giáo của con ngày xưa nay đã nghỉ hưu vui vầy cùng con cháu, nhưng những lời tâm sự của cô vẫn đáng để chúng ta suy ngẫm. Trong sự nghiệp trồng người cần biết bao cách tư duy và tấm lòng như thế.
Ngô Phan