Tuy không phải là tuyến đường chính nhưng đường Trần Cao Vân vẫn thường xuyên xảy ra ùn ứ do sức ép của giao thông tĩnh. Ảnh: Võ Nhân |
Mà đâu chỉ có những con đường nhỏ, đâu đó, ở những con đường lớn hơn như Hà Nội, Hùng Vương, Nguyễn Huệ, Bà Triệu...mật độ xe cộ dừng đỗ cũng ngày một dày hơn. Chưa đến mức kẹt xe kéo dài, chưa có những đám đông nghìn nghịt người với khí thải, với tiếng còi, hay việc quen với sự kiên nhẫn nhích bước... nhưng dường như, Huế cũng đang “hội nhập” với các đô thị lớn từ điều này.
Đây cũng mới chỉ là sự nhận diện bằng trực quan, và chúng tôi cũng chưa có con số thống kê về lượng xe máy, nhất là xe ô tô các loại trong từng tháng, hay từng năm. Điều mà chúng tôi muốn đề cập tại diễn đàn lần này chỉ tập trung xung quanh việc làm thế nào giảm tải tình trạng xe ô tô đậu đỗ hai bên lề đường, gây cản trở cho người tham gia giao thông, làm mất mỹ quan đô thị.
Nói là giảm tải, vì việc thực hiện đúng nội quy và trật tự đô thị là điều khó, trong khi quy hoạch các khu vực giao thông tĩnh - bao gồm những cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ giao thông không trực tiếp tham gia vào quá trình giao thông như bến xe, ga tàu, điểm gửi xe - hiện tại vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và khách vãng lai. Theo đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh thì đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ xây mới, cải tạo nâng cấp 15 bến xe (trong đó có 11 bến xe khách, 4 bến xe hàng) và 42 bãi đỗ xe tại khu vực đô thị trung tâm, các khu đô thị, dân cư mới), điểm, khu du lịch, thị trấn, thị tứ. Đến 2030 sẽ hoàn thiện xây dựng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa 23 bến xe và bãi đỗ xe. Trước đó, tại QĐ số 2306 ngày 10 tháng 10 năm 2007, UBND tỉnh cũng đã dành một quỹ đất có tổng diện tích 74,10 ha cho các điểm đỗ xe từ loại I đến loại IV nhưng cho đến nay, việc triển khai và vận hành nhiều hạng mục công trình vẫn là điều còn bỏ ngỏ.
Người dân sẽ tự thu xếp khi phát triển phương tiện tham gia giao thông của mình. Dù rằng, việc “tự thu xếp” này nếu kéo dài sẽảnh hưởng đến công tác phát triển và quản lý đô thị. Chắc hẳn, nó cũng sẽảnh hưởng đến danh hiệu “Một quê hương của hạnh phúc” mà chúng ta đang xây dựng; đến mục tiêu đang hướng đến là xây dựng Thừa Thiên Huế thành một đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường.
Nhưng có vẻ như, ảnh hưởng và tác động ở chiều hướng này vẫn đang còn ở thì tương lai. Trước mắt, sức ép từ giao thông tĩnh đã tác động trực tiếp đến lĩnh vực du lịch. Lãnh đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch cũng đã chia sẻ về những mong mỏi của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ khi họ kiến nghị về việc làm thế nào có những điểm giữ xe tốt và thuận lợi. Về việc lái xe du lịch của các công ty lữ hành ngại vào Huế vì sợ bị bắn tốc độ, sợ không có điểm đỗ xe. Về việc bất hợp lý khi có những khu vực ở Hùng Vương – Bến Nghé – Võ Thị Sáu – Chu Văn An – Phạm Ngũ Lão có mật độ khách sạn, nhà hàng, các shop thời trang ...khá dày đặc nhưng năng lực về không gian cho đỗ xe lại rất hạn chế. Người ta rất ngại khi vào một điểm lưu trú nhưng lại phải đánh xe đi gửi ở một nơi với khoảng cách không hợp lý khi một, hai điểm gần đã kín chỗ. Và mong muốn cho một khu dịch vụ có thể phục vụ từ 500 – 1.000 khách lên Huế bằng đường biển xem ra vẫn còn là điều khó khăn.
Cái khó hiện thời là làm thế nào có thêm nguồn lực để mở mang, đầu tư thêm các điểm giao thông tĩnh đã được xác lập qua quy hoạch? Ngoài quỹ đất và đầu tư công, các doanh nghiệp có thể tìm thấy ở đây cơ hội để đầu tư...? Đó cũng là một sức ép nhìn từ góc độ khác về giao thông tĩnh.