Nhắc lại đôi dòng về Báo Tiếng Dân để thấy rằng, hàng chục năm qua Thừa Thiên Huế như kẻ có lỗi với bạn bè miền Trung và cả với chính mình khi trụ sở tòa báo vẫn còn đó, trên một con đường phát triển bậc nhất của Huế bị hoang tàn và phế nát. Được biết, sau khi Báo Tiếng Dân đóng cửa vào năm 1943, trụ sở tòa soạn ở 193 Phan Đăng Lưu đã được làm ký túc xá cho sinh viên Quảng Nam ra học ở Huế. Và rồi, sau năm 1975, ngôi nhà được bố trí làm chỗ ở cho một số nhân viên của Trường đại học Y khoa Huế. Hơn nửa thế kỷ không được ngó ngàng và tu sửa, sự xuống cấp của một ngôi nhà cũng là điều dễ hiểu.
Việc UBND tỉnh đồng ý thực hiện thủ tục sửa chữa trụ sở tờ Báo Tiếng Dân được xem là một thông tin vui, đặc biệt là đối với giới truyền thông và ngành văn hóa du lịch. Trụ sở Báo Tiếng Dân xứng đáng được đối xử như thế, nó cũng rất xứng đáng được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Trước hết đó là do vai trò và vị thế to lớn của tờ báo. Ông Nguyễn Quyết Thắng trong cuốn “Huỳnh Thúc Kháng tác phẩm” do Nxb TP Hồ Chí Minh ấn hành năm 1993 nhận xét: “Tiếng Dân đối với người miền Trung thời ấy như một ông thầy đối với người học trò nhằm giáo dục, khai phá, mở trường mới cho người dân thất học”. Ngày Báo Dân, cơ quan của Xứ ủy Trung kỳ bị đóng cửa, Báo Tiếng Dân sẻ chia: “Báo Dân đã chết rồi, có nói gì cũng không sống lại được... Song lấy lòng ngay thực nói cho đúng với thực tế thì Báo Dân có phạm chăng là phạm cái tội khác chứ không phải cái tội náo động nhân tâm”. (Tiếng Dân, 10/1938). Báo chí bấy giờ, chỉ có Tiếng Dân là mạnh dạn bảo vệ cho Báo Dân.
Trụ sở Báo Tiếng Dân là một trong số không ít những di tích lịch sử và cách mạng ở Thừa Thiên Huế vì những lý do khác nhau đang bị lãng quên theo thời gian. Một khi được “đánh thức”, được tu sửa và tôn tạo và phát huy, đó sẽ là bổ sung ý nghĩa cho kho tàng những điểm đến du lịch của Huế.