Sim mọc hoang thành bụi, chen lẫn với các loại cây tràm, cây mua, đó là ở vùng quê tôi, một ngôi làng ven đô có những ngọn đồi thoai thoải. Còn như xưa ở Huế, có cả những đồi sim ở vùng Ngũ Tây phía trong xa hay Ngự Bình, Lịch Đợi bên ngoài này. Bắt đầu ra hoa rải rác từ tháng ba, rộ lên là vào tầm tháng sáu, rồi kết trái để từ tháng bảy, tháng tám âm lịch là đã có sim chín. Có người bảo, gió thu làm phai sắc tím của hoa để dồn tụ với sắc màu đậm hơn thành màu “tím than” trong những trái sim chín tới. Ca dao mình có câu thật gần gụi, dễ thương “Đói lòng ăn nửa trái sim”. Lại cũng với cảm hứng từ sim, Hữu Loan để lại cho đời “Những đồi hoa sim” bất hủ. Lúc nhỏ nghe bài hát phổ thơ của Hữu Loan, tôi cứ mường tượng đến những đồi sim ở Huế một thời.

Tôi đọc sách, nghe nói nhiều về công dụng của sim rừng. Từ trái cây này, có một công ty ở Phú Quốc đã chế thành rượu, công suất ngót nghét hằng năm cả triệu lít. Trái sim kết hợp với hoa và lá sim tạo thành một loại thuốc chữa bệnh viêm gan khá tốt. Người bị suy nhược cơ thể, phụ nữ sau khi sinh bị thiếu máu có thể uống nước sắc từ trái sim kết hợp với đậu đen và lá dâu non. Còn nhiều nữa những công dụng nhưng dưới con mắt của người Huế, trái sim vẫn là loại cây trái ăn chơi, ăn cho vui miệng, kiểu như ăn hạt dưa ngày Tết. Nó không thể thay bữa, không no được cái bụng, càng không phải là thứ sơn hào hải vị như các loại cua ếch, nhưng nói như Trần Dzạ Lữ, một nhà thơ Huế xa quê: “Đi mô Huế vẫn trong tim / Ăn mô cũng nhớ trái sim trên đồi” .
 
Rừng và cả những đồi hoang xưa vùng ven Huế nay đã thành rẫy, thành nương. Bụi sim già bị bứng gốc. Cây sim thành chất đốt. Cuộc sống hiện đại với quá nhiều thứ đồ dùng, vật ăn khiến cho trái sim rừng thân quen nay thành xa lạ. Để tôi như tìm gặp lại nét Huế xưa ngày nào khi vô tình bắt gặp ở phiên chợ chiều vùng quê ven đô những rổ sim nhỏ khép mình trong cây trái vườn nhà. Tối nay nhìn lên tờ lịch treo tường, Huế đã bước vào thu...
 
Đan Duy