Tiếp đoàn trong ngôi nhà gỗ 3 gian, 2 chái nằm giữa một khu vườn nhiều cây xanhlàông Võ Đại Hàm, năm nay 67 tuổi, từng được ra Bắc học Trường thân nhân liệt sĩ Hà Nội và công tác ở ngoài đó. Năm 1978, ông trở về mảnh đất An Xá quê hương tiếp tục sinh cơ lập nghiệp. Là cháu gọi Đại tướng bằng bác, ngày trở về ông được Đại tướng giao luôn nhiệm vụ trông coi ngôi nhà và phần đất hương hỏa của ông bà để lại. Kể từ đó đến nay, ông Hàm cùng vợ chăm sóc ngôi nhà, mảnh vườn và trở thành hướng dẫn viên du lịch đặc biệt mỗi khi có khách đến thăm.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ Nguyễn Thị Quang Thái. Ảnh chụp lại tại nhà Đại tướng ở An Xá.

Lộc Thủy nói chung và làng An Xá nói riêng là vùng chiêm trũng của huyện Lệ Thủy. Hàng năm, nơi đây thường hứng chịu cảnh mùa nắng nóng thì khô cằn, mùa mưa lũ thì ngập lụt. Nhìn ngôi nhà rường xưa với các thứ đồ đạc trong nhà được bảo quản nguyên vẹn như thế này mới biết công lao của ông Hàm và tình cảm của ông đối với Đại tướng. Ông kể: Trận lũ lịch sử hồi tháng 10 năm ngoái, nước sông Kiến Giang dâng lên cao, ngập ngang mép bàn căn nhà. Như thành thông lệ, năm nào đến lũ ông Hàm cũng cẩn thận gói gém trước đồ đạc, tranh ảnh treo trong nhà Đại tướng đưa về nhà mình, chất lên chỗ cao rồi bảo mấy đứa con trông giữ cẩn thận. Lũ rút hết, căn nhà ngập ngụa bùn non, ông Hàm cùng vợ con ra sức quét dọn, lau chùi sạch sẽ. Nền nhà bằng đất nên khi nước lũ rút, đất bị bong tróc từng mảng lớn, nhão nhoẹt, ông Hàm chạy ra đồng cuốc đất dưới ruộng mang về đắp lại như cũ… Tôi đi ra phía sau vườn, ông Hàm giới thiệu với đoàn về cây khế ngọt có tuổi cùng Đại tướng. Ông hái tặng chúng tôi mấy quả. Đứng dưới bóng cây, chúng tôi chia nhau từng múi khế, nhâm nhi vị ngọt và thanh, bỗng dưng trong lòng rộn lên tình cảm làng quê xao xuyến.
 
Làng An Xá bây giờ là làng văn hoá sạch đẹp đến từng con đường, ngõ xóm. Từ cổng làng đi dọc theo bờ sông Kiến Giang đến đập Thùi cuối làng hàng chục ngôi nhà cao tầng bề thế sáng màu vôi mới. Trên đường đi ra bờ sông Kiến Giang, trước ngôi nhà mặt tiền một cụ bà đang ngồi chằm nón, chào với về phía tôi: “Các chú ở mô về chúc mừng đại thượng thọ Đại tướng rứa”. Tôi vào khẽ chào cụ và hỏi chuyện. Cụ kể: Trước đây làng nghèo lắm, đồng chiêm trũng không lo đủ miếng ăn, nên thanh niên lớn lên là bỏ xứ ra đi lập thân lập nghiệp. Bây giờ khác nhiều rồi, đồng lúa trước đây chỉ làm được một vụ còn lại bỏ hoang chờ… lụt thì bây giờ đã có thêm vụ lúa tái sinh, hạt gạo lại ngon, bán được giá hơn hẳn cả chính vụ. Đặc biệt làng đã có công trình nước sạch, không còn phải lo cái cảnh hạn hán phải dùng nước nhiễm phèn, hay cày cọc lo tích nước mưa nữa. Nón ni là nón Hậu Lộc nổi tiếng xưa nay đây. Ngày trước mỗi khi vào thăm quê Đại tướng lúc nào cũng mua cả chục chiếc để ra Hà Nội làm quà đó nờ…

Đại tá Trần Đình Tùng, Chủ tịch Hội CCBVN tỉnh Thừa Thiên Huế thay mặt đoàn ghi cảm tưởng vào sổ lưu niệm

 
Sau khi nhận bức tranh thêu Đại nội Huế do đoàn cán bộ CCBVN tỉnh Thừa Thiên Huế gửi tặng làm quà lưu niệm, ông Hàm lấy ra một chai rượu gạo làng An Xá mời cả đoàn cùng uống để mừng thọ Đại tướng 100 tuổi. Ông Hàm, bằng chất giọng Lệ Thủy nói với chúng tôi: “25 năm sống trong nhà Đại tướng, tôi học hỏi được nhiều điều bác dạy trong cách đối nhân xử thế, cách suy nghĩ và hành xử với mọi người. Dù là người luôn bận bịu với công việc nhưng bác vẫn quan tâm đến người khác, chân tình sẻ chia những suy nghĩ, trăn trở. Tết năm nào bác cũng gửi quà về thờ cúng trong nhà và quà biếu cho bà con trong xóm.
 
Ngôi nhà nhỏ bên bờ sông Kiến Giang nay đã trở thành một địa chỉ vô cùng gần gũi và thân thiết với đồng bào, chiến sĩ cả nước. Trong ngôi nhà ấy, có 3 thế hệ đã hy sinh quên mình cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Đó nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời và có những kỷ niệm tuổi thơ. Đại tướng từng nói: “Quê hương, gia đình chính là nơi hun đúc ý chí, nhân cách và quyết định con đường đi của tôi”.

Sau đó, tại ngôi nhà ở làng An Xá, Nguyễn Chí Diểu lặn lội từ Huế ra tìm gặp Võ Nguyên Giáp. Nguyễn Chí Diểu mang theo một tập tài liệu về “Liên đoàn các dân tộc bị áp bức trên thế giới” và một số văn kiện cuộc họp của “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội”. Mùa hè năm 1928, Võ Nguyên Giáp trở lại Huế. Anh bước vào đời của một chiến sĩ cách mạng tại Huế (theo Nguyễn Mạnh Thường).
 
Từ năm 1929, Võ Nguyên Giáp trở thành một trong những thành viên trong nhóm hạt nhân của Đảng Tân Việt. Anh tích cực vận động cho tổ chức này gia nhập Đảng Cộng sản. Vì vậy, chính quyền thực dân ở đây ngày đêm theo dõi, giám sát từng hoạt động của anh.
 
Ngày 25/10/1930, lúc vừa tròn 19 tuổi, Võ Nguyên Giáp bị chính quyền thực dân bắt giam cùng một số người, trong đó có thầy Đặng Thai Mai, nữ sinh Nguyễn Thị Quang Thái (người sau đó ít lâu trở thành người vợ thân yêu của Võ Nguyên Giáp, em nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai) và nhiều bạn học Trường Quốc học Huế. Võ Nguyên Giáp đã bị chính quyền thực dân kết án hai năm tù tại Nhà lao Thừa Phủ (Huế).
 
Như một định mệnh, năm 1940, Võ Nguyên Gíap đến Vân Nam (Trung Quốc), và được gặp ngay Nguyễn Ái Quốc, lúc này đã mang tên Hồ Chí Minh. Chỉ sau một thời gian ngắn, Nguyễn Ái Quốc đã thấy Võ Nguyên Giáp là người cần cho chặng đường cách mạng Việt Nam sắp tới.
 
Năm 1941 đúng dịp Tết Nguyên đán Tân Tỵ, Võ Nguyên Giáp cùng Hồ Chí Minh trở về Cao Bằng. Tháng 12-1944, Hồ Chí Minh trao cho Võ Nguyên Giáp xây dựng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, mà như lời tiên đoán của Người: “Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó sẽ đi suốt từ Bắc chí Nam, khắp đất nước Việt Nam”. Người đã thấy trước từ đội quân nhỏ bé này, đội quân cách mạng do Võ Nguyên Giáp đứng đầu sẽ ra đời làm nhiệm vụ lịch sử chiến đấu giải phóng dân tộc...
 
Câu chuyện về cuộc đời của vị Đại tướng lừng danh từ làng Văn Xá, Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình trên đường vào Huế như một cuốn phim quay chậm cứ râm ran trên chuyến xe của các cựu chiến binh Huế. Ngồi trên xe, lòng tôi cứ miên man về một vùng quê bên dòng Kiến Giang xanh và đó cũng chính là con sông chảy qua trước mặt làng tôi về phía hạ nguồn. Người lái xe không biết đã tự chuẩn bị khi nào mà bỗng trong xe vang lên khúc hát: “Anh đưa em về thăm quê em xứ Lệ, nơi giọng hò ru anh thời thơ trẻ, sông nước chan hòa ôm ấp tình quê bởi Kiến Giang xanh ôm mái tóc thề ngày xa quê anh không hẹn lại về…”. Trong xe, mọi người hầu như lắng lại.

Tâm Hành