Nhìn ở góc độ bảo hiểm xã hội thử xem. Báo Thừa Thiên Huế đưa tin, tính đến cuối tháng 11/2015, nợ bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh lên đến 126 tỷ đồng.

Đây là một con số quá lớn. Cứ tính lương một công nhân trung bình doanh nghiệp trả 3 - 4 triệu đồng, người sử dụng lao động đóng góp 15% thì con số 126 tỷ đã làm cho hàng ngàn người bị thiệt thòi.
Vấn đề là tại sao nợ̉ bảo hiểm xã hội cứ kéo dài dai dẳng như vậy ? Luật đã có, chế tài đã có, vấn đề là chúng ta không quản lý thực hiện cho tốt. Trách nhiệm của người sử dụng lao động làm không tròn đã rõ. Ở đây có hai ngành liên quan đã không làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình, để cho người lao động bị thiệt thòi, đó là Bảo hiểm Xã hội và Liên đoàn Lao động.
Liên đoàn Lao động có nhiều chức năng, trong đó có chức năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Khi quyền lợi của người lao động bị xâm phạm, thấy bóng dáng vai trò của Liên đoàn Lao động ở chỗ nào? Công đoàn là một tổ chức đoàn thể rộng khắp. Người lao động hàng tháng phải đóng góp đoàn phí để tổ chức công đoàn tồn tại và hoạt động. Khi quyền lợi của người lao động bị xâm phạm, tiếng nói của công đoàn ở đâu !? Chúng ta sống với nhau như thế là không phải!
Thứ đến là Bảo hiểm Xã hội. Nhà nước đã phân “anh” thực hiện chức năng này, là thu và chi trả bảo hiểm xã hội. Đã nói bảo hiểm là số đông gánh vác cho số ít, hiện tại tích lũy cho tương lai. Hiện tại đã “âm vốn”, con số cụ thể ở đây là 126 tỷ chưa thu được, xem ra tương lai không rạng rỡ gì. Vấn đề là năm nào cũng diễn ra tình trạng nợ bảo hiểm xã hội mà ngành Bảo hiểm Xã hội không khắc phục được? Vậy là, ngành Bảo hiểm Xã hội không làm trò nhiệm vụ với người lao động?
NGUYÊN LÊ