Cơ hội cho chị em khéo tay        

Vài năm trở lại đây, chị em, nhất là các bạn trẻ say mê với việc tự tay làm mứt, bánh, đồ ăn tết tại gia đình hơn là mua hay đặt ở chợ. Từ khâu chọn mua nguyên liệu đảm bảo an toàn đến tự tay vào bếp trổ tài với những sản phẩm chất lượng “nhà làm”, nên ai cũng hào hứng.

Tranh thủ ngày cuối tuần, chị Thùy Dương, nhân viên Bệnh viện Trung ương Huế cùng con gái vào bếp để làm mứt dưa hấu. Vừa tỉ mẩn cắt dưa hấu lấy phần vỏ trắng để làm mứt, chị vừa hướng dẫn con gái cân đường, ép phần ruột dưa lấy nước để sẵn. Chị Dương kể: Lâu nay, mứt món mình chủ yếu đi mua, nhưng bây giờ mua gì cũng lo nên thôi, tự làm là an tâm nhất. Thêm vào đó, bày cho con mình tập dần với công việc bếp núc và đây cũng là dịp để cả nhà xích lại gần nhau.

Bên cạnh nguyên liệu “sạch”, thay vì dùng màu thực phẩm, sản phẩm handmade còn “lên màu, dậy mùi” bằng chính nguyên liệu tự nhiên. Để có món mứt dừa vị lá dứa, trước đó, bác Mai, ở đường Nguyễn Trãi phải tìm mua cho được lá dứa nếp (loại lá nhỏ, dài có mùi thơm đậm đà) để xay lấy nước ngâm dừa cho “ăn màu” trước khi đem chế biến; hay dùng nước xiro hoa atiso đỏ (tự ngâm khi hoa vào mùa), nước cam... để thêm sắc cho món mứt bí... 

Tuy phải quán xuyến “núi” việc dịp cuối năm, nhưng từ giữa tháng Chạp đến nay, tối nào chị Liên Hoàng, kế toán một doanh nghiệp cũng nổi lửa liu riu làm món heo khô sấy. Mùi thơm từ sả, ngũ vị hương... bay ngào ngạt. Chị cho biết: Một cân bò khô xé sợi nếu làm nguyên chất có giá thành đến 800 ngàn đồng. Mình thay thế bằng thịt heo để đổi vị và giá cũng “mềm” hơn. Khi dùng thịt heo, mình gia giảm gia vị cay, thịt lại mềm nên không chỉ trẻ em mà người lớn đều mê.

Ngoài các loại mứt “độc, lạ”, 100% không có chất bảo quản thì các loại bánh và các món để “nhâm nhi” ngày Tết cũng là sản phẩm được nhiều chị em chăm chút thực hiện. Từ các loại bánh truyền thống như bánh gấc, bánh ngũ sắc; các loại bánh “Âu” như bánh quy trà xanh, bánh nhân hoa quả, bánh su kem... đến dưa kiệu, vả ngâm, tai heo ngâm dấm, gân bò chua ngọt, chả thủ... cũng được nhiều người tự tay chuẩn bị cho gia đình.

Theo chị Dương, có thể sản phẩm handmade không đẹp bằng mua trên thị trường, nhưng yên tâm về chất lượng và còn “khoe” được tài khéo tay với người thân, bạn bè.

Đắt khách

Không chỉ thỏa mãn sở thích và đam mê nấu nướng, dần dần, bắt kịp nhu cầu sử dụng sản phẩm “nhà làm”, nhiều chị em công sở, các bà nội trợ cũng tranh thủ dịp Tết, bỏ thêm thời gian làm các sản phẩm với số lượng lớn hơn để kiếm thêm thu nhập.

Ban đầu, chị Hoàng chỉ làm trong quy mô gia đình, rồi chia sẻ với bạn bè. Về sau, từ người quen, món heo khô sấy của chị được nhiều người biết tới và đặt hàng ngày càng nhiều, nhất là dịp Tết. “Năm nay, đơn hàng ngay từ đầu tháng chạp đã... làm không xuể. Mình phải tranh thủ làm đêm và huy động cả nhà hỗ trợ cho kịp giao hàng”, chị Liên Hoàng cho hay.

Hoài Hương, sinh viên Đại học Ngoại ngữ Huế vui vẻ kể: “Một lần, mình mời các bạn người nước ngoài dùng thử các loại mứt Huế với những biến tấu về màu sắc và mùi vị do mẹ mình tự làm. Thấy họ tấm tắc khen ngon lại tỏ ý muốn mua về làm quà, mình cùng mẹ làm thêm với số lượng nhiều và cung cấp cho những bạn sinh viên ở các địa phương khác mang về quê. Thu nhập chưa nói, nhưng mình rất vui vì có thể giới thiệu đặc sản Huế đến với mọi người. Nhờ những món tự làm như vậy mà mình thấy yêu Tết hơn. Chỉ cần một chút tỉ mẩn, tìm tòi và khéo léo, ai cũng có thể làm nên những món ăn ngon lành bằng chính đôi tay của mình, Hoài Hương tự hào nói.

Từ các công thức sẵn có được sáng tạo thêm, cầu kỳ hơn, các sản phẩm handmade, nhất là sản phẩm bán Tết, vì thế cũng thu hút người thưởng thức và là lựa chọn ưu tiên của nhiều gia đình ở Huế. Giá các thực phẩm này thường đắt hơn ngoài thị trường, nhưng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận vì thường bán qua kênh người quen, bạn bè... và được “bảo chứng” bằng “mắt thấy, tai nghe” về nguồn gốc thực phẩm cũng như cách thức chế biến.

 LIÊN MINH