Gần đây nhất, khi Huế có thêm hai khu du lịch nghỉ dưỡng Ana Mandara (Thuận An) và Vedana Lagoon (Phú Lộc), chuyện “thắp đuốc” tìm lao động có chuyên môn lại rộ lên. Đến mức, tại khu du lịch 5 sao Vedana, trong khi những đơn đặt phòng đầu tiên đã cận kề, doanh nghiệp còn phải chạy đôn chạy đáo đặt hàng đào tạo lao động cấp tốc do biến động quá lớn trong cạnh tranh nhân sự.

Không riêng gì doanh nghiệp, thiếu chuyên gia giỏi cũng đang là vấn đề đặt ra đối với các cơ quan quản lý Nhà nước. Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện, khi cần cân nhắc một vài vị trí chủ chốt đối với ngành du lịch cũng khó tìm ra người. Riêng ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin trước đây thì cho rằng, một trong những cái thiếu nhất hiện nay của du lịch Huế là thiếu chuyên gia giỏi.

Thực tế trên cho thấy, bài toán nhân lực cho ngành du lịch những năm tiếp theo đang đặt ra nhiều yêu cầu như vấn đề đầu tư cho đào tạo tại chỗ, liên kết đào tạo, đặc biệt là công tác dự báo lao động đối với ngành du lịch trong 10, 15 năm tới. Với thực tế hiện nay, để đáp ứng yêu cầu kinh doanh, không ít doanh nghiệp du lịch đã tuyển nhân sự ở những nơi khác, thậm chí là thuê chuyên gia nước ngoài. Tại khách sạn 5 sao Best Western Indochina Palace, ngoài 80% lao động phổ thông được tuyển tại chỗ, 20% lao động có chuyên môn cao ở những vị trí chủ chốt tại đây đều được tuyển từ Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh. Riêng Khu du lịch nghỉ dưỡng Làng Hành Hương, nhiều năm hoạt động vẫn bỏ ra một nguồn kinh phí đáng kể để thuê chuyên gia nước ngoài trực tiếp đảm trách những vị trí quan trọng.

Không riêng doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, với thực lực như hiện nay, tỉnh nên có cơ chế thu hút các chuyên gia du lịch giỏi cho Huế, đặc biệt là thuê chuyên gia tư vấn du lịch nước ngoài. Đây là cách mà Hội An và Đà Nẵng đã làm lâu nay, với hiệu quả đạt được khá rõ rệt.

Nhật Nguyên