Hơn 10 năm trở lại đây, ngành thuỷ sản đã quan tâm đến công tác tái tạo nguồn lợi thuỷ sản. Trong điều kiện kinh phí còn hạn hẹp, ngành luôn dành một phần kinh phí từ ngân sách và vận động các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, hộ ngư dân hỗ trợ để tổ chức thả giống các loại thuỷ sản: tôm sú, cá dìa, mè, trắm ra môi trường tự nhiên. Tuy số lượng giống thả chưa nhiều, nhưng việc làm trên không chỉ trực tiếp tái tạo nguồn giống, mà còn góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho ngư dân và cộng đồng đối với nguồn lợi thuỷ sản. 

Ngoài ra, Chi cục KT&BVNLTS tỉnh còn xây dựng kế hoạch khoanh vùng bảo vệ thuỷ sản đầm phá và thành lập các Khu Bảo vệ thuỷ sản (KBVTS) kết hợp thành lập các Chi hội Nghề cá (CHNC) sở tại và giao cho các chi hội này trực tiếp quản lý bảo vệ. Đến nay, có 6 KBVTS ra đời với diện tích mặt nước được giao quản lý trên 190 ha. Khi “đầm phá có chủ” ngư dân địa phương đã gắn bó với nhau hơn trong công tác khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Việc tái tạo nguồn lợi, khoanh vùng bảo vệ thuỷ sản và giao mặt nước đầm phá cho ngư dân quản lý bảo vệ là một hướng đi đúng và mang lại hiệu quả thiết thực.
Đầu mùa mưa lũ năm nay, nhiều hộ ngư dân ở Điền Hải (Phong Điền) đã “trúng đậm” cá dìa. Chỉ trong 3 ngày đêm từ 13 đến 15-9, nhiều hộ ngư dân đã đánh bắt được trên 2 tấn cá dìa, tổng thu ước trên 200 triệu đồng. Theo Chi cục KT&BVNLTS tỉnh, đây là loại cá dìa phổ biến tại đầm phá Thừa Thiên Huế. So sánh với dữ liệu thả cá dìa ngày 22-2-2011 của Chi cục tại KBVTS Cồn Cát thuộc xã Điền Hải, có thể khẳng định sản lượng này phần lớn chính là kết quả của việc thả giống cá ra tự nhiên từ đầu năm. Chúng tụ cư tại KBVTS, do có xáo trộn dòng nước, thời tiết... nên phát tán và ngư dân chung quanh KBVTS được hưởng lợi.
Chi cục trưởng Chi cục KT&BVNLTS Nguyễn Quang Vinh Bình cho hay, trong tháng 12 tới, Chi cục sẽ tiếp tục thả 4.000 con cá dìa giống vào đầm phá tại KBVTS Doi Chỏi (Phú Diên, Phú Vang). Giai đoạn 2011-2015, Chi cục quan tâm hơn việc tái tạo nguồn lợi thuỷ sản của đầm phá theo hướng đề nghị tăng mức đầu tư từ ngân sách kết hợp kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và sự đóng góp của các doanh nghiệp, hộ ngư dân có lợi ích liên quan để tăng cường “làm giàu” cho nguồn lợi thuỷ sản đầm phá.
 

Hoàng Thành