Trong trầm tích văn hóa dưới dòng sông Hương, ngoài đồ gốm và kim loại còn có nhiều đồ đá có tuổi đời từ hàng trăm năm đến hàng vạn năm về trước. Theo nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, ngoài một số dụng cụ bằng đá được vớt lên từ sông Hương như bôn, rìu đá có thể thuộc thời kỳ đồ đá, còn có nhiều đồ đá như đá mài, bàn nghiền, chày nghiền… thuộc văn hóa Sa Huỳnh thời tiền sơ sử. 

Riêng về chày và bàn nghiền với nhiều kích cỡ có số lượng khá nhiều. Bàn nghiền được chế tác rất tinh xảo, có chân, mặt hình chữ nhật, hoặc một đầu hình mũi hài, được người hiếu kỳ đặt tên chiếc gối đá. Nhiều người sưu tầm bàn nghiền để chưng trong nhà vì nó có hình thức đẹp.
Trong nhiều cấu kiện xây dựng đền tháp và điêu khắc đá bằng sa thạch do người dân vớt dưới sông là những tượng đá Chămpa. Nổi tiếng nhất là bức tượng được tôn xưng “Kỳ Thạch phu nhân” hiện đang được thờ ở ngôi miếu làng Thanh Phước, ngã ba Sình. Theo truyền thuyết ngày xưa có người ngư phủ cất vó phải tảng đá nặng, đêm về nằm mộng thấy một bà già xưng là thần, đem lên bờ sẽ được phù hộ. Ngư phủ rủ đồng bạn lặn vớt được hai tấm đá lớn bằng chiếc chiếu màu xanh trắng, mặt chạm hình người có 20 tay và 4 chân, người dân cho là Thần vật, xây đền thờ phụng. Về sau, một tảng đá đã biến mất trong một đêm vần vũ mưa gió mịt mùng.
 
Những năm sau 1975, người dân tiếp tục vớt dưới sông các cấu kiện xây dựng bằng đá và tượng sa thạch Chămpa. Phần lớn những cổ vật này bị giới buôn bán ngầm tẩu tán bán đi các nơi khác trong nước và nước ngoài, số cổ vật còn lại, người sưu tầm ở Huế cũng không đủ tiền mua để lưu giữ lại cho Huế.
Đồ đá thời kỳ Đại Việt vớt dưới sông Hương có đá làm chì lưới đánh cá, bia đá khắc chữ, đặc biệt có nhiều neo thuyền bằng đá. Neo đá hình khối chữ nhật nằm hoặc đứng, quai ba lá, người chơi gọi “tam sơn”, có đục lổ để neo dây thuyền.
 

Cấu kiện xây dựng đền tháp Chămpa?

Theo ông Hồ Tấn Phan, neo đá dưới sông Hương là một loại cổ vật đặt trưng. Ngày trước, Kinh thành có Long thuyền và Ngư hộ, bên kia sông là Kinh kỳ thủy sư, dưới Thanh Phước có xưởng thuyền lớn của triều đình. Do đó, một số khá lớn neo thuyền được trạm trổ công phu không khác gì một công trình mỹ thuật, trông rất hấp dẫn. Nhiều người mua về để chơi, ngắm nghía trong những lúc trà dư tửu hậu. Âu cũng là một cách chơi của người Huế.
Nhà thơ của đất kinh kỳ Ưng Bình Thúc Giạ Thị từng ngậm ngùi tiếc không có ai chụp bóng để làm kỷ niệm tích xưa của cảnh phồn hoa thị tứ trên sông Hương. Từ đời Gia Long đến đời Tự Đức đều có thuyền rồng, đẹp nhất là chiếc thuyền Ngự Lợi Thiệp có các thuyền tuần sơn son thếp vàng kéo đi. Đoàn thuyền hàng chục chiếc dạo trên sông Hương, màu sơn son thếp vàng nổi trên sắc nước trời mây trong xanh.
Thời gian trôi bao lần nước qua cầu, dấu vết ngày xưa những thuyền ngự, thuyền quan, thuyền dân… không còn lưu vết tích, đến cả neo thuyền bằng đá cũng thất thoát trôi đi khỏi Huế. Còn chăng đây đó, những ký tự sử thi bằng đá này, tuy chưa đầy đủ, được người sưu tầm cổ vật lưu giữ lại cho Huế, để kể về một thời quá vãng vừa mới qua.
 

Tấn Chính