Huế lụt và cái cồn Dã Viên khuất dần dưới tầm nước trước mặt nhà là phương đối diện dễ thấy nhất. Và nữa, đứng trong nhà dòm ra thấy hai hàng chè tàu thẳng tắp tự nhiên chỉ còn như hai con rồng rượt nhau chạy ra con đường cái quan trước mặt - giờ như dòng sông - khiến lòng ta bồi hồi. Ôi, một thế giới ngày nào dường như rộng hơn khi nước tràn lênh láng khỏa lấp những hố hang, cây cỏ trong vườn tạp bộn bề lô nhô đầy rác. Lụt như bản tình ca thổi bùng lên chút biến chuyển của lòng người theo gam mùa vốn nhiều dấu lặng thường nhật. 

Lụt như là kẻ ham chơi, bất chợt nhớ mình cần phải dọn dẹp cho thành phố này nên thơ hơn. Nó nhiệt tình lôi hết ra biển đông những tị hiềm, rác rến và đôi khi cả chút công tâm của đôi lòai cây cỏ, vật dụng hữu ích nhưng người đời vô tình hoặc hờ hững bỏ quên. Lụt cho ta cảm giác nước thật mênh mông. Mùa mưa lụt Huế như trong một câu hát miền Trung "trời hành cơn lụt mỗi năm" nghe sao mà phũ phàng, phân biệt. Họ đâu biết người Huế yêu lụt và sống với lụt. Lụt đi hết quãng thời ấu thơ, đến già lụm cụm còn bắc thang chống dột, chặn tôn hay cơi lại cái dần cho cao thêm tí. Trẻ con ngồi thu lu nhìn lụt dưới nhà là thấy sướng. Khi ấy ai hơi đâu mà đi lục sách vở học từ chương này chương nọ làm chi, chỉ có thả hồn thơ bay bổng.
 
 
Tôi đã sống hết mình với lụt và đi cùng lũ nhóc trong xóm khi lụt tràn qua. Thành quách, đền đài lăng tẩm còn ngâm chân xuống nước. Những cơn lụt thường nối những khu vườn lại với nhau không còn đâu là bến là bờ nữa. Vườn Huế vốn rộng thênh thang thế, nay lụt xóa nhòa ranh giới. Tụi trẻ con chúng tôi ngồi trên những chiếc thau chậu chèo đi và leo trèo hái những trái chín trong vườn nhà mình hay vườn nhà hàng xóm. Những chiếc bè chuối chở đầy chiến lợi phẩm là cóc, ổi, trần bì, bưởi, nhãn hay đu đủ, chuối, mít... Trẻ con chúng tôi cùng nhau tìm một xó xỉnh nào đó đánh chén no nê. Khế chua ép vào sau cánh cửa sổ cho tan nát vị chua lè mà chơi với đường đen bánh chặt chôm của mẹ thì ngọt thanh từng khúc ruột. Để rồi tối về không ăn được cơm bị ba la cho tơi tả.
 
 
Nhắc lại ba mới nhớ. Mùa lụt nớ nước rút hết xuống mặt đường rồi, mấy thằng bạn rủ nhau ra bờ sông Cầu Lòn (Cầu Làng Rào) rớ cá. Trong đám nớ chừ có thằng có chức làm đến Phó chủ tịch phường rồi. Hôm đó chỉ có một cái lốp xe đạp làm đuốc và một cái để đun nồi cháo loãng nhiều nước mưa ít gạo. Cả bọn rớ cá giếc to cỡ 4 ngón tay, tôm nhỏ nhỏ nửa ngón tay cứ cho qua nước sôi là muối tiêu chanh xơi tái. Vì thiếu chanh cả bọn xúi tôi và một thằng bồ tèo nữa về nhà hái quả trong vườn. Không ngờ gặp ba đứng đó rình trộm mùa mưa bão. Tí nữa là bị nện cho một trận. Không ngờ hình như ba biết thiếu gì rồi nên hái sẵn cho trái và cả lá chanh và còn đưa thêm cho cái lồng bàn mà không quên nhắc nhở con cái cẩn thận. Miếng thơm thảo ấy ngon thấm đẫm chân răng tới giờ nhắc lại nước miếng còn tứa ra thòm thèm. Mùa lụt Huế bao giờ cũng có tép nữa. Chỉ cần thắp ngọn đèn nho nhỏ và cái lồng bàn rình sẵn, cơ man nào là tép. Chụp được bỏ vô nồi cháo ngọt lừ nước và xác vốn đã đậm ngọt hương vị cá giếc, tôm tươi húp xì xụp. Huế, lụt, và tuổi thơ.
 
 
Chao ôi, nhớ lụt. Nước rút đi để lại những đường chỉ bùn trên vách nhà. Người Huế vốn lười hay tiết kiệm không biết mà ít quét vôi hàng năm nên nhiều năm khác nhau để lại trên vách những dòng thẳng tắp không trùng nhau. Ba đã viết thành những nốt nhạc giữa những khe nhạc thiên nhiên ấy để tặng mẹ những khúc nhạc tỏ tình của ngày xưa thổn thức. Ba bị bà nội cho mấy roi vào mông vì tội đóng cửa phòng mộng mơ.
 
 
Tiếc thay trận lụt năm 1999 đã xóa sạch bức vách phảng phất nhạc lòng thời gian, nơi có ba có mẹ chung sống. Năm đó ngồi trên chuyến bay không hạ cánh được chao đảo vì mưa bão còn nghe văng vẳng lời mẹ nói sáng lụt mấp mé nơi bến cầu ngày xưa tôi bắt cá.
 
 
Xa quê, xa tuổi thơ từ lâu nhưng mỗi lần nghe quê vào mùa lụt là lòng lại miên man nhớ.
 

Huế Thương