Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ quan trọng là bởi vì nó giúp cho thương hiệu phát triển một cách lâu dài và bền vững. Một khi chưa đăng ký bảo hộ, khi tranh chấp, nếu có đòi được thương hiệu cũng là một cuộc “sức đầu mẻ tráng”, tốn rất nhiều công sức, thời gian và tiền của. Vụ phấn nụ gia truyền Bà Tùng, việc tranh chấp là những người họ hàng trong gia đình, nhưng để giải quyết, trả về cho chính chủ là cả một cuộc chứng minh nhiều dữ liệu, ra vô không biết bao nhiều lần Huế - Hà Nội, kéo dài trong 3 năm trời. Nêu như thế để thấy rằng, muốn bảo toàn thương hiệu của doanh nghiệp, không có con đường nào khác là quan tâm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
 

Theo số liệu thống kê, năm ngoái, Cục SHTT Việt Nam đã tiếp nhận hơn 62.100 đơn các loại và 18.560 văn bằng bảo hộ được cấp, thì ở Thừa Thiên Huế, chỉ có 78 đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp. Cục SHTT mới cấp 40 văn bằng bảo hộ; trong đó 30 về nhãn hiệu và 10 về kiểu dáng công nghiệp. Con số này là quá ít nếu biết rằng toàn tỉnh có đến hàng ngàn doanh nghiệp và hơn 20 nghìn hộ sản xuất kinh doanh.

Trong một lần trò chuyện về chủ đề sở hữu trí tuệ với một người có trách nhiệm của Công ty bia Huế, chúng tôi được biết, công ty đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm đến 30 nước trên thế giới. Đây là một sự chuẩn bị cực kỳ chu đáo cho sản phẩm vươn ra thế giới. Vì khi muốn xuất khẩu hàng hoá, một trong những rào cản đầu tiên là việc xem xét sản phẩm đó đã được bảo hộ quyền sở hữu tại nơi hàng hoá muốn đến hay chưa.

Nhìn qua, những con số đăng ký bảo hộ SHTT ở tỉnh ta có thể đưa ra mấy nhận xét như sau:

Phần lớn các doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Điều này xét ở một khía cạnh nào đó cũng đồng nghĩa với việc chưa am hiểu và chuẩn bị chu đáo cho công cuộc hội nhập quốc tế. Vẫn còn nặng về tư tưởng làm ăn nhỏ lẻ, thiếu một kế hoạch dài hạng cho phát triển thương hiệu.

Sự thiếu quan tâm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thường rơi vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà loại hình doanh nghiệp này ở tỉnh ta lại chiếm một con số rất lớn. Điều này cho thấy phải tốn một thời gian khá dài nữa may ra chúng ta mới có những thương hiệu mạnh.

Không quan tâm đến đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp của chúng ta hoạt động trong một tình trạng có nhiều rủi ro. Ai cũng biết giá trị các thương hiệu mạnh chiếm một tỷ lệ lớn tài sản của doanh nghiệp. Xây dựng thương hiệu đã khó, là cả một quá trình phấn đấu lâu dài nhưng nếu không được bảo hộ, bị tranh chấp và mất đôi khi doanh nghiệp phải làm lại từ đầu.

Trong thời đại hội nhập, nhận thấy vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là rất quan trọng, Nhà nước đã đầu tư một nguồn kinh phí lớn cho vấn đề này, trong đó có chương trình tuyên truyền để làm chuyển biến nhận thức của doanh nghiệp. Rất nhiều tỉnh trong cả nước trong đó có Thừa Thiên Huế được nhận cả tỷ đồng từ nguồn ngân sách của Trung ương xây dựng chương trình tuyên truyền về sở hữu trí tuệ. Chương trình này rất cần được sự quan tâm của tỉnh để thực hiện dài hơi. Bởi sự chuyển biến về nhận thức không bao giờ là ngày một ngày hai.

 
Lê Phương