Trong thực tế, có cho hay không cho thì tình trạng làm ngoài giờ của viên chức cũng đã diễn ra. Và nếu nói viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì nên cho phép làm ngoài giờ. Thực tế có những người với công việc được giao, họ không cần làm một ngày tám tiếng vẫn hoàn thành công việc và đạt hiệu quả cao. Cũng có người ngồi đúng tám tiếng nhưng chẳng làm được việc bao nhiêu.
 
Tôi không dám khái quát vấn đề. Trong bài viết này, chỉ muốn có vài trao đổi.
 
Có một thực tế là với đồng lương như hiện nay, phần lớn viên chức không thể nào đáp ứng tối thiểu cuộc sống hàng ngày. Đó là chưa nói đến các nhu cầu khác như việc học tập cho con cái, nhà cửa, phương tiện đi lại… Thế nhưng, nhìn chung phần lớn viên chức đều sống được trên mức nghèo khổ. Thậm chí có người còn giàu nữa là khác (bộ phận này không nhiều). Tiền ở đâu ra thì không rõ, nhưng chắc chắn nếu không làm thêm, hoặc có một cách thu nhập thêm nào đó thì không thể có được như vậy.
 
Trong hoàn cảnh đồng lương còn thấp, Nhà nước với nguồn thu ngân sách chưa thể nâng lên cao được, việc những viên chức biến trí tuệ, năng lực của mình để có thêm thu nhập, nâng cao đời sống là điều đáng khuyến khích. Vấn đề cần bàn ở đây là khi Nhà nước chính thức cho phép viên chức làm thêm thì việc quản lý viên chức hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao như thế nào? Tôi thấy có nhiều cái khó.
 
Thứ nhất: hiện nay, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của viên chức qua kế hoạch hoạt động từng tháng, từng quý, từng năm. Nhưng việc đánh giá này ở nhiều cơ quan đơn vị còn mang tính hình thức. Điều này có những ràng buộc từ người lãnh đạo cơ quan đơn vị đến lãnh đạo cấp phòng và nhân viên. Một hoặc nhiều nhân viên không hoàn thành tốt nhiệm vụ là ảnh hưởng đến thành tích chung. Đó là chưa nói tình trạng nể nang, sợ mình đụng đến họ thì họ đụng đến mình. Vậy là, năm nào tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cũng nhiều, nhưng công việc đôi khi không thấy chạy bao nhiêu. Vì thế cải cách công tác thi đua là vấn đề bức thiết.
 
Thứ hai: mức độ hoàn thành tốt nhiệm vụ hay không phụ thuộc rất lớn vào con người. Có những vấn đề rất cụ thể, nhưng cũng có những vấn đề khó mà đánh giá cụ thể được. Đây chính là kẽ hở cho việc nhận người đôi khi thiếu năng lực, nhưng vì một lý do nào đó - quen biết, gởi gắm chẳng hạn. Không thể nói anh không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng nếu có người với năng lực tốt hơn thì công việc sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Chính vì vậy, công tác tuyển dụng viên chức cũng phải cải cách theo hướng đi vào thực chất, tránh hình thức.
 
Thứ ba: công việc làm thêm, ngoài nhiệm vụ chính dĩ nhiên là có thu nhập khá hơn. Trong điều kiện lương bổng của viên chức còn thấp, một lôgích hiển nhiên là họ khó mà cưỡng lại được sự cám dỗ của thu nhập bên ngoài. Như vậy thì làm sao mà không ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Đó là chưa nói đến một số lĩnh vực có thể đưa công việc của cơ quan ra “sân sau” nhờ vào những chức vị mà một số viên chức nắm giữ.
 
Tôi mạnh dạn trao đổi những băn khoăn của mình khi nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị, mà Vietnamnet trích dẫn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ “bật đèn xanh”. Xin nhắc lại là chữ bật đèn xanh để trong ngoặc kép.
 
  Lê Phương