Phá Tam Giang đi qua địa phận xã Vinh Hiền có nguồn thủy sản dồi dào. Ở đây, phần lớn người dân sống dựa vào nguồn lợi thủy sản từ đầm phá mang lại. Có mặt tại thôn Hiền An, xã Vinh Hiền vào lúc trời tờ mờ sáng, trong cái se lạnh của khí trời, chúng tôi thấy hàng chục chiếc thuyền nhỏ bắt đầu lướt trên dòng nước mênh mang để câu cá mưu sinh. Cần câu và mồi câu là những “hành trang” không thể thiếu trong mỗi chuyến đi.

 

80 tuổi nhưng cụ Kiến đã có 65 năm kinh nghiệm đi câu

 
Cụ Hồ Kiến, 80 tuổi, ở thôn Hiền An cho biết: “Ở đây, nghề câu cá đã có hơn cả trăm năm nay. Cá câu thường là các loại, như cá mú, cá hồng, cá dìa, cá hanh, cá nâu… Tui làm nghề câu cá đã được 65 năm. Trước tê vì không có ruộng đất, cũng chẳng có nghề nghiệp ổn định nên tui làm nghề này. Bốn người con của tui cũng sống bằng nghề đi câu. Đứa ít nhất cũng đã non 30 năm kinh nghiệm”.
 
Nói về thu nhập, anh Hồ Duy Hoàng, con trai cụ Kiến chia sẻ: “Nghề đi câu cho thu nhập không ổn định. Mỗi bữa trung bình thu được hơn 150 nghìn đồng. Bữa mô động trời thì không có chi. Còn bữa hên cũng bỏ túi được 500- 600 nghìn lận. Bữa nay cá đắt, như cá mú, một cân có giá đến 300 nghìn đồng nên thu nhập cũng tăng lên so với trước.”
 
Cụ Kiến cho hay: “Ở đây, những hộ làm nghề đi câu thường kết hợp thêm với nghề nuôi cá lồng nên ngoài thu nhập từ việc bán các loại cá, nghề đi câu còn giúp họ chủ động được con giống. Cá câu được có thể là cá lớn lẫn cá nhỏ. Cá lớn bán lấy tiền còn cá nhỏ mình đem về làm giống thả vào lồng để nuôi. Cá giống thường đắt, tui nuôi cá mú, giá mỗi con giống cũng mất 30 nghìn đồng mỗi con. Mình làm ăn nhỏ, ít vốn nên tận dụng con giống để hạn chế chi phí, chứ cứ bỏ tiền ra mua con giống thì lời lãi mô nữa”.
 
Nghề đi câu có cái hay là chủ động được thời gian. “Đi câu thường vào khoảng từ 4 giờ đến 9 giờ sáng. Ngoài thời gian này, bọn tui có thể chủ động thời gian làm việc khác. Như tui đây chẳng hạn, ngoài đi câu, nhiều lúc tui còn đi làm thêm để tăng thu nhập” anh Hoàng nói.
 
Cụ Kiến chia sẻ: “Làm nghề theo đuôi con cá, phải có đam mê và kỹ thuật câu mới trụ nổi. Nhiều người thấy đi câu có thu nhập nên ồ ạt hành nghề nhưng cũng chỉ được một thời gian rồi bỏ. Muốn câu được cá phải biết dựa vào dòng nước chảy, phải biết bơi, giữ thuyền theo ý mình; biết chọn đúng mồi câu thì cá mới ăn. Như cá mú, cá hồng phải câu mồi tôm, còn cá dìa, cá hanh thì câu mồi đất sét trộn với ruốt thơm và trứng vịt. Dây cước phải mảnh, lưỡi câu có cỡ phù hợp với từng loại cá. Nghề đi câu cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Những lúc trời động, mưa to gió lớn thì nghề đi câu của bọn tui đành thất nghiệp”.
 
Ông Hồ Duy Khá, thôn phó thôn Hiền An cho biết: “Ở thôn tui, đất sản xuất nông nghiệp còn hạn chế nên đa phần người dân đều sống nhờ vào nguồn lợi thủy sản từ phá Tam Giang - Cầu Hai mang lại, trong đó nghề đi câu được nhiều người lựa chọn. Ở đây, hiện có có gần 100 hộ đang sống bằng nghề đi câu”.
 
 Bài, ảnh: Hữu Phúc