Hôm mới đây về Phú Vang, gặp anh Dũng, Trưởng phòng Văn hóa Thể thao Du lịch huyện, tôi được rủ về bến đò Trường Hà xưa ăn cháo cá vược. Ngày đông mưa và lạnh buốt, nhìn ra phía trước sông nước mênh mông, ăn tô cháo cá vược nóng hổi và béo ngậy, cái cảm giác thơm ngon của chén cháo cá kình hơn 20 năm trước bỗng như trở về với tôi.

Người Thừa Thiên Huế mình từng có câu “Cá Tam Giang là cá vua ăn” để tự hào chỉ về mùi vị thơm ngon của tôm cá nơi vùng đầm phá quê mình. Thì ra, tôi đã được ăn cái món vua “ngự” một thời kia. Đọc sách, tôi được biết, với đến 223 loài cá, bao gồm cá nước lợ lẫn cá có nguồn gốc biển (sống ở gần cửa cửa biển), cá nước ngọt (sống ở gần các cửa sông) và di cư (theo mùa), vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai tự hào là nơi có nguồn cá tôm phong phú và đa dạng bậc nhất nước. Đủ các loại thế kia, vậy nhưng tất cả đều có chung một điểm là thơm ngon. Có thể kể ra cả danh sách dài, bên cạnh con cá kình và cá vược vừa nêu là cá dìa, cá dầy, cá đối, cá hanh, cá bống, cá chình, cá nâu, cá hồng...Toàn là những thức ăn sang trọng gắn liền với thực đơn của nhà hàng, khách sạn.

Người ta giải thích rằng, chính nguồn nước lợ tạo nên từ sự hoà trộn giữa nước biển và nước sông nơi địa vực đặc thù đã làm cho tôm cá ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có được cái phong vị đặc biệt ấy… Cũng có ý kiến bổ sung, là do nguồn nước vùng đầm phá luôn được luân lưu và môi sinh trong sạch. Mặt khác, ở đây có loài rong hẹ là thức ăn số một và cũng là nơi sinh cư lý tưởng của các loài cá. Vậy nên, ở Huế mới có câu chuyện truyền khẩu một thời, rằng có một đôi vợ chồng người Úc, hàng năm cứ vào mùa hè là đến Huế, ghé vào nhà hàng Ông Táo, gọi duy nhất một con cá dìa hấp. Điều lạ là họ chỉ ăn... bộ lòng cá. Sành ăn đến thế là cùng! Tôi cũng được biết, cũng là loại cá dìa nhưng ngày xưa chỉ có cá dìa vùng Tam Giang - Quảng Thái hay An Truyền - Cầu Hai mới được tiến cung. Bởi chỉ ở vùng này mới có loại tảo đặc biệt là yếu tố quyết định chất lượng và hương vị của cá, là thức ăn chính, được ưa thích của con cá dìa.
 
Còn một khám phá thú vị khác nữa. Giờ đây nhớ lại tôi mới thấm thía, không phải vô cớ mà anh bạn năm xưa mời chúng tôi ăn cháo cá kình. Chính người Huế đã có một cách gọi rất gần gũi con cá vùng đầm phá là loại “cá hiền” và hơn thế “con cá có vị thuốc” bởi thịt cá như một liều thuốc an thần nhẹ, chống mất ngủ, giảm stress rất hiệu quả… Không tin thì cứ về hỏi những người lớn tuổi, họ sẽ chỉ cho ta biết nên ăn thứ cá đầm phá nào khi ốm đau như một bài thuốc chữa bệnh. Ví như, món cá kình nấu cháo kia mà tôi có dịp thưởng thức kia vẫn được lưu truyền là loại thuốc trị chứng mất ngủ hiệu quả.

Cái thú ăn bộ lòng cá dìa của đôi vợ chồng người Úc kia năm nào sẽ rất khó khăn bởi giờ đây khi mà phong trào nuôi cá trên phá đang rất phát triển với những loại thức ăn bột cá chế biến có sẵn và nguồn cá tự nhiên đang cạn dần như nhiều lời cảnh báo. Thế nhưng, vẫn còn đó hình ảnh con cá vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai một thời “tiến vua”, được xem như biểu tượng và niềm tự hào của vùng nước Thừa Thiên.

Đan Duy