Phải 21 năm sau khi Trường Quốc Học ra đời, mới diễn ra lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi trường Đồng Khánh bên cạnh này. Người ta kể lại rằng, trong buổi lễ thật đáng nhớ kia, vua Khải Định đã cho đặt xuống móng ngôi trường một số hiện vật để làm kỷ niệm, gồm một cái hộp kim loại chứa 10 đồng Khải Định thông bảo và hai tờ giấy ghi biên bản của buổi lễ bằng tiếng Pháp. Để rồi chỉ hai năm sau đó, ngôi trường cũ đầu tiên và duy nhất dành cho nữ sinh cả 13 tỉnh miền Trung được khai giảng. Lúc đầu, trường mang tên Trường cao đẳng tiểu học Đồng Khánh, sau năm 1955 là Trường Nữ trung học Đồng Khánh, sau 1975 là Trường cấp III Trưng Trắc và từ năm 1981 đến nay là Trường THPT Hai Bà Trưng. Giờ thì vẫn còn đó Quốc Học nhưng cái tên nữ sinh Đồng Khánh chỉ còn là một quá vãng nhưng đó là hoài niệm đẹp và thật khó quên.  

Lâu nay người đời vẫn nói nhiều đến vẻ đẹp của con gái Huế. Như nhạc sĩ Phạm Duy từng thú nhận, từ khi biết Huế (1944) cho đến khi đã yêu bà Thái Hằng rồi thành vợ chồng (1948), ông vẫn ước mơ có một người tình xứ Huế. Theo nhạc sĩ tài hoa này, con gái Huế dĩ nhiên là đẹp rồi, nhưng cái mà ông thích nhất là người đàn bà xứ Huế còn giữ được nhiều nữ tính. Cái nữ tính ấy lại được nuôi dưỡng trong khung cảnh nên thơ của vùng đất có nhiều đền đài lăng tẩm, núi Ngự sông Hương làm cho nó có một sức hấp dẫn mạnh mẽ. Và, không có một nơi nào trên cái nước Việt Nam này người phụ nữ được sống trong cái môi trường văn hoá thơ mộng sâu sắc như thế cả.
 
Nữ sinh Đồng Khánh. Ảnh: Internet
 
 
Một thời, Đồng Khánh là ngôi trường nữ duy nhất ở miền Trung dạy đủ các môn: Văn-Thể-Mỹ-Hạnh và lao động kỹ thuật. Ngoài việc học văn hóa và nữ công gia chánh (may vá, thêu thùa, làm bánh, làm mứt...), nữ sinh Đồng Khánh còn được học cách nuôi con, cách quản lý gia đình, được rèn luyện phong cách người con gái có học thức, có giáo dục, giản dị, trang nhã, lịch sự, khiêm tốn, tế nhị trong giao tiếp. Tôi nghĩ, đó chính môi trường văn hoá đã góp phần tạo dựng nên hình ảnh đẹp của nữ sinh Đồng Khánh nói riêng mà suốt thế kỷ qua người ta đã viết nhiều, cũng như người phụ nữ Huế lâu nay gắn liền với hình ảnh của những “nội tướng” tuyệt vời, giàu đức hạnh, giỏi việc nhà, nấu ăn ngon, thêu thùa đẹp, nuôi dạy con cái nên người…
 
 
Dù đã xa rồi nhưng nhiều người nữa cũng như tôi và bao thế hệ sau này sẽ khó mà nhạt phai trong tâm trí hình ảnh về những “cô gái nữ sinh Đồng Khánh kia ơi” một thời sau buổi học rồi “Cô xuôi Đập Đá hay về Nam Giao/ Cô về Bến Ngự hay về Đông Ba/ Cô về Vỹ Dạ hay ngược Kim Luông…” trong trắng và thơ ngây khi nghĩ và hoài niệm về một Huế thân thương. Nó đã là một biểu tượng đẹp của vùng đất xứ Thần kinh.
 

Đan Duy