Lê Thị Huệ, sinh viên Khoa Môi trường, Trường đại học Khoa học Huế giới thiệu về tác phẩm “Ngày mai” của nhóm

Hãy hành động ngay khi có thể

Trong tác phẩm đoạt giải Nhất - “Trái đất sẽ ra sao?” của nhóm học sinh Lê Hoàng Minh Thịnh, Lê Duy Hoàng, Lê Văn Hiếu, Nguyễn Châu Tuấn, Lê Nguyễn Tướng, Trần Công Huy đến từ Trường THCS Duy Tân, hình ảnh trái đất méo mó bị che lấp bởi toàn rác là rác tác động mạnh đến người xem. “Sự chạy đua kinh tế đang làm con người vô cảm. Những rừng cây xanh ngày nào trở nên héo hon, gầy mòn. Chặt phá cây xanh, nhà máy nhiệt điện, xả rác bừa bãi đang làm cho môi trường trở nên tiêu cực. Bà mẹ trái đất đang phải than khóc, kêu gào trước những tác động mà con người gây ra. “Lời nói quyết định ý thức, ý thức quyết định hành động và hành động quyết định tương lai”. Ngay từ bây giờ, chính mỗi chúng ta phải chung tay hành động: ngừng xả thải, ngăn chặt phá, cùng nhau sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả để bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp”, đó là thông điệp mà nhóm tác giả muốn gửi đến người xem.

Gây ấn tượng mạnh không kém và đem lại nhiều suy ngẫm đối với người xem là tác phẩm đoạt giải Ba - “Tái tạo hay không tái tạo” của nhóm sinh viên đến từ Trường đại học Khoa học Huế. Bức tranh vẽ hai viễn cảnh hoàn toàn đối lập về cuộc sống của con người trong tương lai: một mặt là cuộc sống tươi đẹp, mọi thứ phát triển theo tự nhiên khi con người có nhận thức, biết sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong tương lai; còn mặt kia là sự hoang tàn, ô nhiễm trầm trọng do con người tiếp tục phá hoại, sử dụng tài nguyên quá mức gây những hậu quả khôn lường trong tương lai. “Hãy cùng nhau hành động ngay khi có thể”, Lê Thị Nhật Anh, một thành viên của nhóm tác giả chia sẻ.

Cũng thể hiện sự trăn trở trước hành động tàn phá môi trường của con người, nhóm sinh viên đến từ Trường đại học Khoa học và Sư phạm Huế qua tác phẩm “Nếu muốn sống hãy dừng lại” gửi gắm thông điệp khẩn thiết: “Ngày nay con người đã dùng quá nhiều nhiệt điện than, điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang đốt nóng trái đất và cũng có nghĩa chúng ta đang tự đốt nóng chính mình. Chúng ta phải dừng lại nếu như muốn sống!”.

Bảo vệ môi trường, trách nhiệm của mọi người

Nguyễn Thị Thùy Linh, một thành viên của nhóm học sinh đến từ lớp 7/2 Trường THCS Duy Tân hào hứng nói về tác phẩm “Chung tay bảo vệ môi trường” do cả nhóm tâm huyết vẽ nên: “Tất cả các châu lục trên thế giới đều có trách nhiệm góp phần bảo vệ môi trường và tất cả mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta. Nếu mọi người có ý thức bảo vệ môi trường thì trái đất sẽ trở nên xanh - sạch - đẹp hơn”.

Giới thiệu về tác phẩm “Hãy chung tay bảo vệ Trái Đất” với hình vẽ một trái đất đang nổi giận vì con người tàn phá và khai thác thiên nhiên quá bừa bãi và những hành động con người đối xử với thiên nhiên, Lê Thị Yến Nhi, đại diện cho nhóm học sinh đến từ lớp 6/4 Trường THCS Duy Tân chia sẻ: “Từ bức tranh này, nhóm của chúng em muốn truyền đến thông điệp rằng: Hãy sống có ý thức và bảo vệ thiên nhiên để trái đất thoát khỏi sự tàn phá của con người”.

Để giữ trái đất mãi là mái nhà xanh của mọi người trên thế giới trong hiện tại và tương lai, con người cần có những hành động cụ thể và thiết thực ngay từ lúc này. Đây là thông điệp tác phẩm “Ngày mai” của nhóm sinh viên Trường đại học Khoa học Huế hướng đến. “Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống của con người ngày càng được nâng cao. Phải chăng vì điều đó mà con người ngày càng tham lam, họ chỉ biết nghĩ đến cái lợi trước mắt mà không tính đến sau này. Họ chặt phá cây bừa bãi, xây dựng nhiều nhà máy thải chất độc ra môi trường độc, sử dụng quá nhiều năng lượng không tái tạo... Liệu họ có biết rằng những điều đó đã làm biến đổi khí hậu, gây ra nhiều thiên tai,...? Chính những hành động của con người đang tự làm hại chính mình. Chúng ta hãy hướng tới một cuộc sống tươi đẹp hơn, hãy sử dụng năng lượng tái tạo, những năng lượng thân thiện với thiên nhiên vì một NGÀY MAI tươi sáng”, Lê Thị Huệ, trưởng nhóm tác giả nói.

Bài, ảnh: Ngọc Hà