Một cậu bé tại khu vực bị ngập lụt ở phía tây nam Kunyangon, Myanmar. Ảnh: Reuters |
Những trận động đất kinh hoàng ở Nepal hồi năm ngoái làm hư hỏng hoặc phá hủy hơn 8.200 trường học, khiến 870.000 trẻ em không được đến trường.
Gần một năm sau đó, nhiều trẻ em vẫn đang đi học trong các cơ sở tạm bợ không có tường kiên cố và thường xuyên phải tiếp xúc với thời tiết lạnh giá vào mùa đông, Save the Children nói trong một báo cáo về ảnh hưởng của giáo dục do thiên tai ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Một phần của vấn đề là chưa tới 2% viện trợ nhân đạo được dành riêng cho giáo dục, dẫn đến sự chậm trễ trong việc tái thiết và sửa chữa các trường học bị hư hỏng, cơ quan viện trợ toàn cầu nói thêm.
"Không quan trọng nếu thảm họa nhỏ hay lớn, giáo dục sẽ bị ảnh hưởng và cuộc sống của học sinh cũng bị ảnh hưởng", Sarah Ireland, tác giả của báo cáo khẳng định.
Báo cáo nói trên sẽ chính thức được công bố vào ngày mai (21/6) với những thống kê cụ thể về tác động đối với các em học sinh trong 5 thiên tai xảy ra năm 2015, trong đó có những trận lũ lụt ở Myanmar làm hư hại 4.100 trường học, khiến việc học tập của 250.000 trẻ em bị ảnh hưởng trong nhiều tháng.
"Giáo dục cần phải được ưu tiên như một phần của một phản ứng toàn diện. Nếu giáo dục được hỗ trợ trước, trong và sau thảm họa, nó có thể cứu sống và bảo vệ trẻ em, cũng như lợi ích của toàn bộ cộng đồng và quốc gia", bà Ireland nhấn mạnh.
Trường học thường đóng một vai trò quan trọng trong việc ứng phó nhân đạo trước một thảm họa, đây có thể xem là trung tâm cộng đồng, nơi những gia đình hứng chịu thảm họa có thể tiếp cận chăm sóc sức khỏe, nước sạch và thực phẩm an toàn.
"Nếu trẻ em được đưa đến trường, được ở một nơi an toàn, cha mẹ của chúng có thể yên tâm làm việc, kinh doanh để xây dựng lại cuộc sống", bà Ireland lưu ý.
Thanh Ngân (Lược dịch từ Reuters & Reporter)