Các sản phẩm mắm, ruốc của cơ sở bà Gái

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số cơ sở sản xuất nước mắm tại hai xã Quảng Công và Quảng Ngạn (Quảng Điền), tình hình tiêu thụ các loại nước mắm, ruốc, mắm thính khá tốt, thậm chí nhiều nơi còn “cháy” hàng.

Bà Lê Thị Gái, thôn Tân Mỹ (Quảng Ngạn), cho biết: “Đợt này, hàng bán rất chạy, chúng tôi đóng hàng không kịp bán, do nhu cầu người dân mua về tích trữ tăng cao. Hiện, cơ sở đang cung cấp hàng sỉ cho cửa hàng Nông dân Huế (44 Hai Bà Trưng, TP. Huế), đồng thời đưa đi các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ”. Tại cơ sở sản xuất của bà Gái, có hàng trăm lu sành đựng nước mắm đang chờ đóng chai.

Thành lập từ năm 2014, cơ sở sản xuất nước mắm bà Hồ Thị Giang, thôn Tân Thành (Quảng Công),  cũng đang tất bật đóng hàng để kịp chuyển cho khách. “Khách hàng quen đặt hàng với số lượng gấp đôi, giá cả có tăng nhưng không quá cao. Ngoài việc bỏ hàng trong tỉnh, chúng tôi còn chuyển đi các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị và một số thành phố lớn nữa”, bà Giang chia sẻ.

Bên cạnh niềm vui bán được hàng, nhiều hộ gia đình làm nước mắm khác đang lo lắng vì lượng hàng cũ không còn nhiều, trong khi chưa làm được hàng mới. “Nếu hết hàng chắc tui cũng chỉ biết ngồi không, vì tuổi thì cao, ngoài làm nước mắm, ruốc thì chẳng còn sức làm chi khác”, bà Nghê nói.

Khó khăn hiện nay, là bà con đang cần nguyên liệu để sản xuất hàng mới. Từ những nguyên liệu như con ruốc, cá, trải qua quá trình ủ kín, người sản xuất phải mất một năm mới có thể thu được sản phẩm cuối cùng là nước mắm hay ruốc. Đối với những cơ sở lớn, lượng hàng cũ tích trữ nhiều, nhưng với nhiều gia đình làm ăn nhỏ, đây thực sự là một nỗi lo. Bà Giang cho biết: “Trước mắt, chúng tôi vẫn tiếp tục tiêu thụ lượng hàng cũ đã làm. Về lâu dài, chúng tôi vẫn đang chờ quyết định của cơ quan chức năng thì mới tiến hành sản xuất hàng mới, dù nguyên liệu hiện vẫn có sẵn”.

Bài, ảnh: Bình Phan