Tôi chưa đặt chân đến Paris lễ hội và hoa lệ nhưng với Huế thì tôi hiểu. Chưa có vùng đất nào như Thừa Thiên Huế ở đất nước hình chữ S này với ngót nghét 500 lễ hội trong năm, và hiện nay có đến hơn 100 lễ hội trong số đó được khôi phục và phát huy, bao gồm các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống, lễ hội tôn giáo tồn tại từ bao đời nay gắn với những giá trị văn hoá của mỗi vùng đất. Hãy dừng lại thời điểm tháng giêng với các lễ hội: Đền Huyền Trân, đu tiên, vật làng Sình và Thủ Lễ, rồi lễ hội cầu ngư làng Thai Dương Hạ…Hay như mới đây nhất là Festival Huế với định kỳ hai năm một lần được xem là sự kiện văn hóa lớn có quy mô quốc gia và tầm cỡ quốc tế, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người dân Huế; là điều kiện quan trọng để xây dựng Huế thành thành phố Festival của Việt Nam.


Lễ hội đu tiên ở Điền Hòa - Phong Điền. Ảnh: Internet

Từ xa xưa, Thừa Thiên Huế với vị trí chiến lược từng là vùng đất phên dậu thứ tư về phương Nam của Đại Việt. Cũng chính vùng đất và trong gần 400 năm (1558-1945) từng là thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Trên nền tảng vật chất và tinh thần đã được hình thành ở Huế từ đầu thế kỷ XIV (khi vua Chăm là Chế Mân dâng hai châu Ô, Rí cho nhà Trần để làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân), các chúa Nguyễn (thế kỷ XVI-XVIII), triều đại Tây Sơn (cuối thế kỷ XVIII) và 13 đời vua Nguyễn (1802-1945) đã tiếp tục phát huy và gây dựng ở vùng Huế một tài sản văn hóa vô giá, trong đó có một hệ thống các lễ hội phong phú, đa dạng và nhiều sắc màu.
 
Với Festival Huế 2012, tháng tư này đến hẹn lại lên, không chỉ có một tuần mà là cả tháng và hơn thế nữa Thừa Thiên Huế thường trực một không khí lễ hội. Nó bắt đầu bằng cả một thời gian dài chuẩn bị, bằng không khí rộn ràng của những ngày vùng đất ngập tràn sắc màu lễ hội khắp nơi, khắp chốn, và nữa là cả một thời gian dài với những dư âm lắng đọng còn lại của các lễ hội. Nó cũng bắt buộc chủ nhân là người dân Huế và nói như nhà nghiên cứu Bửu Ý, phải biết tự nâng mình lên để giữ gìn tính thường trực, cùng nhau sống trong một môi trường văn hoá và chỉ cần thành phố sạch sẽ, trật tự thì cũng đã là lễ hội rồi. Có vẻ, cái tiêu chí về một thành phố lễ hội kia xem chừng không thật quá khó khăn nhưng lại đòi hỏi ở mỗi một chủ nhân một ý thức thường xuyên cả trong nếp nghĩ, việc làm, sự giao tiếp và lối sống hằng ngày.
 
Đan Duy