Từ những ván cờ… cho vui

Chẳng phải “con nhà nòi”, Trần Tuấn Kiệt biết đến cờ vua khi đang học lớp một – thời điểm anh trai biết vài đường cờ vua cơ bản học được từ thầy cô ở trường đem về “lòe” ông em. Chẳng ai ngờ, chỉ thời gian ngắn lân la bên bàn cờ xem anh trai và ba thi đấu cho vui, Kiệt đã mê và thể hiện được năng khiếu đối với môn thể thao trí tuệ này khi dễ dàng đánh bại hai “đối thủ” nói trên bằng những nước cờ hiểm hóc khó thể ngờ từ một cậu bé 6 tuổi, chưa từng qua trường lớp đào tạo cờ vua bài bản nào.

Trần Tuấn Kiệt được đánh giá có lối chơi khá đặc biệt so với những VĐV cùng lứa 

Nhận thấy phần nào khả năng của con trai, ba mẹ Kiệt động viên em thi đấu ở một số giải do thị xã tổ chức. Rồi từ những giải đấu này, Kiệt tham gia và giành HCV tại giải vô địch cờ vua toàn tỉnh tranh cúp Hương Giang. Tiếp đến, trong 2 năm 2015-2016, Kiệt liên tiếp giành HCV giải vô địch trẻ khu vực miền Trung. Và đến tháng 7/2016, cậu bé hiện đang học lớp 3 tại Trường tiểu học Hương Văn (thị xã Hương Trà) tiếp tục thể hiện được tài năng của mình khi đứng trên bục cao nhất giải vô địch cờ vua trẻ toàn quốc 2016, diễn ra từ 8-20/7 tại Đà Nẵng.

Đánh giá về Trần Tuấn Kiệt, anh Nguyễn Thanh Sơn - HLV tuyển cờ vua Thừa Thiên Huế nhận xét: “Kiệt gây ấn tượng từ khi tham gia các giải địa phương bằng lối đánh “thả tép câu tôm”, biết vì toàn cục mà bỏ qua lợi ích nhỏ trước mắt. Đây là phẩm chất rất hiếm gặp ở những VĐV nhỏ tuổi. Điều đáng nói, những nước cờ của em (trước năm 2014, thời điểm chưa nằm trong đội năng khiếu tỉnh) không qua một trường lớp đào tạo chuyên nghiệp nào. Nếu được tiếp tục đào tạo bài bản để phát huy hơn nữa năng khiếu của mình, Kiệt sẽ là một trong những trụ cột của tuyền cờ vua Huế trong tương lai”.

Dấu hỏi về tương lai

Không riêng gì cờ vua, cứ mỗi khi tổ chức các giải thể thao phong trào, người ta thường nói và hy vọng, sau giải sẽ tìm được những nhân tố mới, những tài năng thể thao để đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung vào đội tuyển tỉnh tham dự các giải đấu cấp độ cao hơn.

Hy vọng là vậy nhưng thực tế, mỗi năm (mỗi giải) có bao nhiêu VĐV phong trào được phát hiện để bồi dưỡng, để bổ sung cho đội tuyển tỉnh? Và rồi, có bao nhiêu trong số ít VĐV được phát hiện qua giải phong trào tỏa sáng ở các giải đấu cấp độ cao hơn? Có thể có, nhưng chắc chắn không nhiều! Điều này cũng có nghĩa, phát hiện ra tài năng thể thao đã khó, từ phát hiện đến bồi dưỡng, đào tạo và tỏa sáng ở những sân chơi lớn lại càng khó hơn. Đã vậy, cái sự “khó” còn đến từ phương diện khác.

Nhân đây cũng xin nói thêm, người viết không có ý phân biệt thành thị hay nông thôn, nhưng hiển nhiên là ở thành thị, nhờ hội đủ điều kiện về kinh tế - xã hội nên việc phát hiện tài năng cờ vua không quá khó. Trong khi đó, cũng do điều kiện hạn chế, việc tìm được tài năng cờ vua ở các xã, huyện cũng như hướng các em theo đuổi con đường chuyên nghiệp không hề dễ dàng. “Thú thật, gia đình chỉ xem đó là một đam mê bổ ích ngoài giờ học văn hóa chứ không nghĩ hướng cháu thành VĐV chuyên nghiệp bởi tương lai VĐV quá bấp bênh”, chị Lê Thị Thúy, mẹ của Trần Tuấn Kiệt bày tỏ.

Sau sự ra đi của một loạt kỳ thủ trụ cột, không quá khi nói rằng cờ vua Huế đang phải bắt tay làm lại từ đầu. Và những giải thi đấu cấp trường, huyện, thị xã và cấp tỉnh được tổ chức hàng năm chính là sân chơi mà các cấp, các ngành và địa phương đã và đang thực hiện nhằm tìm lại vị thế của cờ vua tỉnh nhà trên bản đồ thành tích quốc gia, quốc tế. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện triệt để, hiệu quả khi mà những người làm thể thao, các cấp, các ngành hữu quan chung tay giải tỏa được âu lo về tương lai của VĐV.

Mà âu lo đó đâu chỉ riêng với Kiệt, với bộ môn cờ…

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG