Không to tát, rộn ràng nhưng việc UBND tỉnh vận động chị em tiểu thương Đông Ba mặc áo dài trong những ngày Festival Huế 2012 đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng lễ hội. Số chị em hưởng ứng dù chưa nhiều nhưng những tà áo dài điểm xuyết thấp thoáng giữa cảnh mua bán tấp nập đã làm vui du khách. Cùng với vẻ đẹp nền nã, hình như lời ăn, tiếng nói của các chị, các mẹ tiểu thương khi mặc chiếc áo dài truyền thống cũng trở nên lịch thiệp hơn, mềm mại hơn.

Cách đây không lâu, trao đổi về việc bảo tồn bản sắc văn hóa Huế, điều một lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch e ngại là văn hóa mặc đang trở nên biến tướng thái quá, trong khi vai trò tà áo dài, nét đẹp làm nên bản sắc văn hóa Huế đang mất dần. Đơn cử như ở chợ Đông Ba, với truyền thống áo dài từng gắn bó với lịch sử hơn 100 năm hình thành chợ, nhưng do sự chi phối của cơ chế thị trường và nhịp sống hiện đại, số tiểu thương còn giữ đựơc thói quen mặc áo dài chỉ có một, hai người thuộc thế hệ kỳ cựu về tuổi tác.
 
Tại nhiều hội thảo về văn hóa, du lịch tổ chức ở Huế, vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa Huế được đề cập khá nhiều. Không ẩn trốn đâu xa, nhiều chuyên gia cho rằng, chính tà áo dài, thói quen mặc áo dài là một đặc trưng văn hóa của Huế, cần phải giữ gìn và khuấy động. Đó là hình ảnh đẹp, độc đáo, riêng có của Huế với khẩu hiệu thu hút của điểm đến như: Huế-Kinh đô của áo dài...
 
Có lẽ, việc thuyết phục phụ nữ Huế thường xuyên mặc áo dài trong thời đại ngày nay, ở một số đặc thù công việc cũng có những lý do bất tiện của nó. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục có chủ trương, có sự vận động, khuyến khích và có những hoạt động bổ trợ thiết thực, chắc chắn dần dần sẽ nhen nhóm trở lại tình yêu, sở thích mặc áo dài trong mỗi người dân Huế. Chẳng hạn như, gắn với cuộc vận động mặc áo dài là những cuộc thi thời trang áo dài dành cho chị em tiểu thương chợ Đông Ba lần đầu tiên vừa được Nhà Văn hóa Huế tổ chức nhân dịp Festival Huế. Không chỉ ở các ngôi chợ, phong trào mặc áo dài có lẽ cần phải gắn với những mô hình cụ thể như phong trào xây dựng làng, thôn, bản, công sở văn hóa với những ngày mặc áo dài được phát động bền bỉ, rộng hơn, liên tục hơn chứ không chỉ dừng lại ở chợ Đông Ba và những ngày lễ hội.
 
Tiểu Muội