Tôi cũng cắm cúi chạy xe, cố tránh những “chiếc roi” mưa quất rát mặt. Chợt phía trước, một cụ bà lưng còng trong chiếc áo mưa tiện lợi mỏng tang, gánh đầu này mấy trái cà chua, đầu kia chừng hơn chục trứng vịt, đi bán rong. Những bước chân già nua nhọc nhằn nép sát mép đường. Tôi dừng lại hỏi mua tất cả những thứ trong hai chiếc rổ của bà. Bà vừa vuốt nước mưa trên mặt, vừa nhặt từng trái cà, quả trứng cẩn thận xếp vào mấy bì ni lông. Cảm ơn tôi, bà bảo bây giờ bà có thể về nhà, rồi quay ngược lại quãng đường lúc nãy. Vẫn cái lưng còng trong chiếc áo mưa tiện lợi mỏng tang. Và những bước chân già nua nhọc nhằn.

Hình ảnh đó cứa vào tim tôi một nỗi nhớ. Sao tôi nhớ bà nội đến muốn rơi nước mắt. Tôi nhớ ngày xửa ngày xưa, nơi tôi ở làm gì có điện. Những đêm hè oi bức, nội tôi nằm giữa hai đứa cháu nhỏ (là tôi và anh trai), luôn tay huơ chiếc quạt giấy hết quạt cho đứa này lại quay qua quạt mát đứa kia, cho đến lúc nào anh em tôi chìm sâu vào giấc ngủ mới thôi. Hồi đó, lũ nhỏ tự đi bộ đến trường. Thế nhưng, vào những ngày mưa gió, nội tôi bao giờ cũng mỗi tay dắt mỗi đứa, bấm ngón chân trên con đường đất trơn trượt, đưa cháu vào tận cửa lớp mới yên tâm quay về. Ba tôi “cằn nhằn” nội già rồi ra đường, trời mưa lỡ té ngã thì biết làm sao. Những lúc như vậy, nội lại cười hiền: “Cha tổ mi. Ba mi (tức ông nội tôi) mất sớm, tau bao năm một mình dầm mưa dãi nắng gồng gánh, không chỉ nuôi anh em mi mà còn làm cách mạng”. Nội tôi gánh hàng đi buôn kiếm tiền nuôi con. Nhưng dưới mấy thúng hàng có khi là tài liệu cách mạng. Nội kể, có lần cắt suối mà đi, nội sém bị nước lũ cuốn trôi. Nhưng nỗi khổ dầm mưa dãi nắng…“không là gì” so với lúc cô tôi bệnh mất và bác tôi hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chỉ còn ba tôi, bao nhiêu yêu thương, nội dồn hết cho con cho cháu.

Tôi không bao giờ quên, mỗi khi ba mẹ gắp cho mấy miếng ngon ít ỏi trong bữa ăn đạm bạc, bao giờ nội cũng sẻ hết vào bát của mấy đứa cháu. Những chiếc kẹo cứng như đá, luôn là món “sơn hào hải vị” không chỉ đối với trẻ thơ mà còn là món quà quý của một thời ngày xửa ngày xưa. Vậy nên, lâu lắm có khách “sộp” tặng vài chiếc kẹo, bao giờ nội cũng cất thật kỹ, đợi mấy đứa cháu đi học về để “giấm giúi” cho. Tôi lấy chồng sinh con, nội ngày càng già nua, không còn minh mẫn, nhớ nhớ quên quên. Nhưng trong ký ức nội, những chiếc kẹo luôn quý giá ngọt ngào (mà đâu biết rằng bây giờ đối với lũ trẻ đủ đầy, bánh kẹo chẳng còn là của ngon vật lạ như ngày xưa), nên vẫn cất kỹ món quà, nhất quyết đợi con gái tôi về thăm để “giấm giúi” cho.

Ngày nội “đi” cũng mưa gió mù trời, đến bây giờ đã hơn mười năm. Nhưng tinh thần sống kiên cường, chịu thương chịu khó, và nhất là tình yêu thương của nội, tôi luôn cất giữ nguyên vẹn ở nơi sâu thẳm nhất trái tim.

Quỳnh Anh