Trụ sở chính của ADB tại thủ đô Manila, Philippines. Ảnh: Wikipedia |
Các nền kinh tế đang phát triển của khu vực đã tăng trưởng 5,9% trong năm 2015 và ADB vẫn giữ mức dự báo được đưa hồi tháng 3, theo một báo cáo của ADB.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm 2016 và 6,4% trong năm 2017, tương đương 0,1 điểm phần trăm cao hơn mức dự báo hồi tháng 3; do chính sách kích thích tài chính và tiền tệ mạnh mẽ nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước, trong khi nhu cầu bên ngoài vẫn còn ảm đạm.
Tiêu dùng và dịch vụ tư nhân đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng 6,7% của Bắc Kinh trong nửa đầu năm nay, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ trong việc ưu tiên tăng trưởng bền vững, được hỗ trợ bởi mức lương cao hơn và việc làm đô thị nhiều hơn, báo cáo nói thêm.
Bên cạnh đó, sự tiến bộ ổn định về cải cách đang giúp Ấn Độ đạt được mục tiêu tăng trưởng, với mức dự báo tăng trưởng trước đó là 7,4% trong năm 2016 và 7,8% trong năm 2017, báo cáo cho hay.
Các chuyên gia dự báo, Ấn Độ sẽ tăng tiêu dùng cá nhân, khi tiền lương và lương hưu gần đây có xu hướng gia tăng, cũng như kỳ vọng thời tiết thuận lợi sẽ nâng thu nhập ở khu vực nông thôn. Thêm vào đó, sự phục hồi trong đầu tư tư nhân cũng giúp nước này tăng trưởng đến 7,8% trong năm 2017.
Ngoài ra, sức tăng trưởng của 5 nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á (Philippines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Việt Nam) được dự báo ở mức 4,8% trong năm 2016, tương tự như dự báo được đưa ra hồi tháng 3 vừa qua.
Chính phủ các nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhất là ở Indonesia, Philippines và Thái Lan giúp bù đắp cho nhu cầu xuất khẩu ảm đạm và tình trạng hạn hán gây ra sự sụt giảm trong sản lượng nông nghiệp vào nửa đầu năm nay ở tất cả các quốc gia, ngoại trừ Indonesia.
Tăng trưởng của 5 nền kinh tế ở khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng tốc lên 5% trong năm 2017, do nhu cầu vững chắc hơn từ các nền kinh tế công nghiệp chính, giá cả xuất khẩu cao hơn và đầu tư cơ sở hạ tầng được tăng lên.
Báo cáo cũng cảnh báo các rủi ro khí hậu liên quan đến sự phát triển ở châu Á, như mùa mưa ngắn hơn, tình trạng hạn hán trở nên tồi tệ hơn và sâu bệnh bùng phát, nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến thiệt hại kinh tế tương đương với 10% tổng sản phẩm trong nước của khu vực trong năm 2100.
Lê Thảo (Lược dịch từ AP & Morning Times)