ngày 28/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố phương án thi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017. Phương án thi chính thức của Bộ công bố có một số thay đổi so với dự thảo ban đầu đưa ra như số lượng câu hỏi trong đề thi môn Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội tăng. Còn lại phương án thi môn Ngữ văn và trắc nghiệm môn Toán vẫn được giữ nguyên như trong dự thảo.
Trường chuyên “ngại” Giáo dục công dân
Đánh giá cao tầm quan trọng của môn Giáo dục công dân đối với học sinh, ông Nguyễn Trường Giang, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lào Cai cho rằng việc đưa môn học này vào thi THPT quốc gia là điều cần thiết. Môn học này dạy cho học sinh cách sống đúng đắn, ảnh hưởng với quá trình hình thành nhân cách con người. Giáo dục Việt Nam vẫn có kiểu thi gì học nấy, không thi không học, do đó, ông Giang cho rằng đưa môn Giáo dục công dân vào kỳ thi THPT quốc gia là cần thiết.
Ảnh minh họa
Ngay sau khi Bộ có quyết định chính thức về vấn đề này, trường đã tích cực đưa thêm nhiều vấn đề mới vào giảng dạy, củng cố nhận thức về vai trò của môn học để học sinh và giáo viên có hướng đi đúng trong việc dạy và học môn giáo dục công dân.
Năm đầu tiên môn Giáo dục công dân được đưa vào thi THPT quốc gia, ông Lê Vinh, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) tỏ ra khá lo lắng. Theo ông Vinh, việc đưa môn Giáo dục công dân vào thi THPT khiến học sinh sợ do chưa từng có trong lịch sử. Trường đang có chỉ đạo viết lại chương trình trên cơ sở tích hợp các nội dung. Về cách dạy vẫn dựa trên những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên cần tích cực đưa thêm những câu hỏi vận dụng, ví dụ minh họa bám sát thực tế đời sống vào trong các tiết học. Tổ giáo dục công dân của trường hiện đang xây dựng bộ câu hỏi trắc nghiệm, đợi sau khi Bộ có đề thi minh họa, trường sẽ kết hợp để cho học sinh luyện tập nhiều hơn.
Nhiều trường THPT và học sinh hoang mang lo lắng về bài thi môn Giáo dục công dân, nói về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thuấn, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Thái Nguyên (Thái Nguyên) cho rằng yếu tố mới, lạ chỉ là một phần, quan trọng là nhiều trường và học sinh trước đó vẫn chưa thể hiện sự quan tâm đúng mức với môn học này. Dẫn đến tình trạng lúc phải thi mới đổ xô đi học.
“Đáng lo nhất là môn Giáo dục công dân”, trước hết mục tiêu nhà trường là phải chống liệt. Giáo viên giảng dạy môn này phải chú ý giảng dạy và trấn an học sinh để các em yên tâm, từng bước ôn tập và học tốt', ông Thuấn chia sẻ.
Thi trắc nghiệm vẫn còn nhiều nỗi lo
Theo phương án thi mới của Bộ công bố, các bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, tiếng Anh, Toán vẫn được thi theo hình thức trắc nghiệm như trong dự thảo đưa ra ban đầu.
Đáng chú ý, trong phương án chính thức, số lượng các câu hỏi trong bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội tăng gấp đôi (từ 60 câu lên 120 câu trong một bài thi), thời gian làm bài tăng thêm 60 phút (từ 90 phút lên thành 150 phút).
Theo ông Nguyễn Quang Thuấn, việc tăng thêm số lượng câu hỏi giúp đề thi đủ lớn để phủ quát kiến thức, đánh giá chính xác hơn năng lực của học sinh. Còn ông Lê Vinh lại lo ngại liệu học sinh có đủ sức làm đến câu hỏi cuối cùng?
“Tôi nghĩ với học sinh THPT sẽ có áp lực làm cho đủ 120 câu hỏi, mỗi câu 4 phương án lựa chọn. Nếu câu hỏi dài, lại thêm các phương án cũng dài sẽ khiến học sinh mệt mỏi, dẫn đến những câu đầu thì làm tốt, nhưng đến những câu sau chất lượng khó tốt”, ông Vinh nói.
Ông Lê Vinh cho rằng muốn đánh giá được năng lực học sinh không còn cách nào khác là đưa ra câu hỏi. Nhưng nếu lượng câu hỏi nhiều trong 150 phút “về mặt tâm lý sợ các em không chịu nổi”. Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn cho rằng những câu hỏi trong đề thi cần ra sao cho nội dung ngắn gọn, để các em có đủ thời gian làm bài.
Xung quanh vấn đề thi trắc nghiệm, còn khá nhiều ý kiến băn khoăn về phương án thi môn Toán.Lần đầu tiên, môn Toán được chuyển từ hình thức thi tự luận sang trắc nghiệm, sự hoang mang lo lắng không chỉ có từ phía học sinh mà đến từ cả giáo viên.
Theo ông Thuấn, dù từ năm 2007 Bộ đã có động thái về việc sẽ tổ chức thi trắc nghiệm môn Toán, song vẫn chưa có quyết định chính thức, bởi vậy, các trường vẫn ngồi im theo phương án tự luận truyền thống. Ngay sau khi có phương án chính thức các trường mới bắt đầu chạy ngược chạy xuôi tính phương án dạy và học mới sao cho phù hợp và kịp thời.
Với trường THPPT Lê Thánh Tông (Quảng Nam) giáo viên tổ Toán được yêu cầu đưa ra hẳn một tham luận về vấn đề làm thế sao để học sinh không chuyên Toán cũng có thể làm tốt bài thi trắc nghiệm Toán.
Trường cũng yêu cầu giáo viên phải đi sát, hướng dẫn họ sinh nhiều cả về kỹ năng và không quên trấn an tâm lý để các em yên tâm ôn tập.
Theo VOV