Ông bắt đầu công việc này từ năm 1998 - khi đang là chủ tịch UBND xã Hồng Kim - hưởng ứng lời kêu gọi của huyện A Lưới sưu tầm những bài dân ca - dân vũ - dân nhạc cổ của đồng bào Pa Cô.

A Lưới là huyện miền núi, có 8 dân tộc thiểu số anh em đang sinh sống, gồm: Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều, Pa Hy, Mường, Tày, Nùng và người Kinh đến xây dựng kinh tế mới năm 1976, sau ngày đất nước thống nhất. Trong tiếng Tà Ôi, “Pa” có nghĩa là “phía”, “Cô” là “núi”. Pa Cô là người phía bên kia núi. Trước đây, người Pa Cô cổ sống tập trung ở huyện A Lưới, huyện Hướng Hóa, Đa Krông (Quảng Trị). Ở A Lưới, người Pa Cô có mặt ở hầu khắp 21 xã của huyện, trong đó có đến 9 xã người Pa Cô chiếm đa số. Trong đời sống của người Pa Cô, ca hát không chỉ giúp họ vơi nỗi nhọc nhằn trong lao động hay để  bày tỏ tình cảm còn để giải lòng, giải quyết những chuyện vướng mắc trong đời sống hàng ngày. Chính vì thế, những bài dân ca - dân nhạc - dân vũ của người Pa Cô là tài sản văn hóa quý giá của miền núi cao này, chứa đựng giá trị sử liệu văn hóa - văn học và ngôn ngữ.

Miệt mài đi từng nhà ghi chép lại những bài ca cổ, tấm lòng của ông cũng được bà con nhìn nhận và ủng hộ. Đến nay, ông đã ghi chép được hơn 20 bài hát dành cho thanh niên và hơn 30 bài hát dành cho người lớn tuổi với nhiều làn điệu như cha chấp,  ra rooi, ru con, kâr lơ, shiêng. Điều mà ông vô cùng hạnh phúc, đó là ông ghi chép lại được những bài hát có từ rất xưa, nhiều từ Pa Cô xưa nay ít người dùng. Người Pa Cô khi hát thường hay ví von, họ thường mượn trời, đất, trăng, sao, hoa, lá, sông, suối, chim muông để  nói xa nói gần điều muốn nói. Bây giờ cách nói như thế đang dần mất đi nên những lúc ghi được bài hát lạ chưa từng được nghe, ông mừng như tìm gặp kho báu. Mà đúng như thế, bởi lẽ, phần lớn các bài ca của người Pa Cô không được lưu bằng văn bản mà chỉ truyền khẩu từ thế hệ này sang thế hệ khác nên việc gìn giữ rất khó khăn. Hiện nay, số nghệ nhân lớn tuổi còn thuộc những bài ca cổ rất ít, nếu không ghi chép lại thì khả năng mất mát là rất lớn. Nghệ nhân Kan Nghìn, năm nay 75 tuổi chia sẻ “ Nhờ có ông Hồ Xếp đi từng nhà ghi chép lại các bài hát Pa Cô xưa nếu không thì bây giờ không ai biết, bọn trẻ bây giờ có biết đâu. Khi ông Hồ Xếp đến nhà tui, tui nhớ bài hát nào là tui hát cho ông ấy ghi chép liền. Ông cũng là người biết cái chữ. Nhân dân Hồng Kim tin tưởng ông Xếp. Nếu ông Xếp không ghi thì không có ai biết viết mà ghi. Biết viết, biết chép lại thì bài hát đó còn, không viết thì mất, con cháu không biết chi hết”.

Năm 2014, A Lưới triển khai đề án “bảo tồn, sưu tầm các làn điệu dân ca - dân nhạc - dân vũ” của đồng bào các dân tộc thiểu số, ông Hồ Xếp cùng với các ông Đặng Pưn, Quỳnh Liên, Cu Par tham gia truyền dạy lại cho thanh niên những bài ca, điệu múa của dân tộc mình. Bài hát cha chấp của đội văn nghệ xã Hồng Kim được chọn tham gia Liên hoan dân ca các tỉnh miền Trung và được đánh giá cao. Bây giờ người dân xã Hồng Kim xem ông Hồ Xếp như một nghệ nhân cộng đồng. Ông Hồ Văn Hêng – láng giềng của ông Hồ Xếp chia sẻ: “Chúng tôi rất khâm phục ông Hồ Xếp. Kho tàng những bài hát của người Pa cô chúng tôi nhiều lắm, nhưng ngày càng bị quên đi. Ngày nay lớp trẻ chỉ thích nghe nhạc mới, hát karaoke thôi. Ông đi khắp nơi để ghi chép mà việc làm ấy có đem lại lợi ích gì cho riêng bản thân ông đâu. Ông đang giữ lại vốn quý của người Pa Cô chúng tôi”.

 Sinh năm 1943, ông Hồ Xếp đã từng tham gia cách mạng trên quê hương mình, làm giao liên rồi làm thầy giáo. Năm 1967, ông ra Bắc học y tế. Về lại quê hương, ông vừa làm y tá cho Khu ủy vừa tham gia chiến đấu. Năm 1988, khi đã nghỉ hưu, ông bắt đầu 15 năm công tác ở xã Hồng Kim, trải qua các chức vụ Thư ký Hội đồng, Chủ tịch UBND xã rồi sau đó là Phó Bí thư xã Hồng Kim. Năm 1999, ông mới thật sự nghỉ công việc chính quyền và có nhiều thời gian để đi khắp nơi. Trò chuyện trong ngôi nhà có vườn cây ao cá, ông kể: Khi tôi đi từng nhà, người trẻ nói họ thích hát karaoke, văn minh hiện đại rồi, hát đó cũ rồi, hát làm gì. Còn mấy ông lớn tuổi thì nói, mệt mỏi rồi, phải uống rượu mới hát. Lúc đầu tôi rất buồn. Nhưng rồi tôi nghĩ mình không thể buồn, phải tiếp tục thuyết phục để ghi chép lại những bài hát xưa, để nâng vị trí, quê hương của mình”. Vợ ông cũng lo lắng sợ ông đi rừng, đi núi nguy hiểm nhưng trước việc làm có ý nghĩa của ông bà âm thầm tạo điều kiện cho ông. Có lúc ông đi xa, gặp trời mưa to, nước suối dâng cao phải nghỉ lại nhà bà con là chuyện thường.

Lớn lên từ lời ru của mẹ, từ những bài dân ca của quê hương, ông Hồ Xếp hiểu được rằng những bài ca là một phần tạo nên bản sắc của dân tộc mình. Tấm lòng của ông cũng bắt nhịp được sự đồng điệu với bạn bè, của nhiều bà con ở Hồng Kim cũng như ở A Lưới, của người Pa Cô.  Trong hành trình này, ông không đơn độc, ông là một cánh chim bay đầu. Ông chép lại những bài ca cũng chính là chép lại những ký ức của dân tộc mình.

Khi tôi điện thoại hỏi thăm ông có còn đi ghi chép bài hát xưa của người Pa Cô hay không, ông trả lời rằng “ Vẫn còn đi chứ”, rồi ông cười hồn nhiên trong điện thoại.

DIỆU HÀ