Phó Chủ tịch Phòng Thương mại, Công nghiệp và Mỏ Iran Pedram Sultani . Ảnh: PressTV

Theo đó, việc các ngân hàng Nhật Bản bắt đầu hợp tác với các đối tác Iran bằng cách sử dụng đồng yên Nhật được coi như một động thái có thể mở ra một chương mới trong quan hệ kinh tế giữa 2 nước trong thời kỳ hậu xử phạt.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại, Công nghiệp và Mỏ Iran Pedram Sultani khằng định, Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) đã thông báo bắt đầu tiến trình hợp tác giữa các ngân hàng của hai nước.

Cũng theo lời ông Sultani, các quan chức Nhật Bản phàn nàn rằng thói quan liêu ở Iran đang cản trở việc mở rộng quan hệ kinh tế giữa hai nước. Mối lo ngại này, ông nói, là những gì chính phủ của Tổng thống Hassan Rouhani đang cố gắng giải quyết trong tương lai gần.

Tuy nhiên, ông Sultain nhấn mạnh, các doanh nghiệp Nhật Bản không nên đánh mất những cơ hội đang có ở Iran và cần có biện pháp để củng cố chỗ đứng của mình ở thị trường Iran để chiếm ưu thế trước các đối thủ khác.

Trước đó, hồi tháng 1/2016, Nhật Bản tuyên bố dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống lại Iran. Các biện pháp trừng phạt bao gồm một lệnh cấm các ngân hàng Nhật Bản giao dịch với các ngân hàng Iran.

Theo đó, Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU) - ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản, công bố vào tháng 2/2016 rằng đã được nối lại giao dịch với các ngân hàng Iran, bao gồm cả thanh toán cho các khoản dầu thô mà nhà máy lọc dầu Nhật Bản mua của Iran.

Việc loại bỏ các biện pháp trừng phạt chống Iran của Nhật Bản diễn ra một vài tuần sau khi một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt - đó bao gồm lệnh cấm các hoạt động ngân hàng với Iran - được dỡ bỏ như kết quả của việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an và Đức (P5+1).

Bảo Nghi (Lược dịch từ PressTV & NHK)