Nước ngọt và nước uống tăng lực trong một cửa hàng tạp hóa ở thành phố Springfield, tiểu bang Illinois, Mỹ. Ảnh: AP |
Trong một tuyên bố nhân Ngày Béo phì Thế giới (11/10), WHO cho biết, tỷ lệ béo phì trên toàn thế giới tăng gấp đôi từ năm 1980 đến năm 2014, khi gần 40% người trên toàn cầu bị thừa cân.
Trong một bản báo cáo dài 36 trang về chính sách tài chính và chế độ ăn uống, WHO trích dẫn "bằng chứng mạnh mẽ" về những khoản trợ cấp để giảm giá các loại trái cây và rau quả tươi giúp cải thiện chế độ ăn kiêng.
Theo WHO, chính sách thuế có thể làm tăng 20% giá bán lẻ các loại đồ uống có đường, giúp giảm tỷ lệ tiêu thụ những mặt hàng này.
Dựa trên những bài học từ chiến dịch chống hút thuốc lá, WHO nói rằng, áp đặt hoặc tăng thuế nhằm vào đồ uống có đường có thể giúp chúng ta tiêu thụ ít hơn các loại đường, mang lại lợi ích sức khỏe và thu nhập cho Chính phủ các nước.
Trước đó, các cơ quan y tế từ lâu đã khuyến cáo rằng, con người nên hấp thu lượng đường ít hơn 10% tổng nhu cầu năng lượng.
"Việc tiêu thụ đường một cách tràn lan, bao gồm các sản phẩm như đồ uống có đường là yếu tố quan trọng dẫn đến sự gia tăng của những người mắc bệnh béo phì và tiểu đường trên toàn cầu. Nếu các Chính phủ đánh thuế những sản phẩm như đồ uống có đường, họ có thể giảm bớt tình trạng đau ốm và cứu sống nhiều người", Trưởng ban ngăn chặn dịch bệnh lây lan của WHO, ông Douglas Bettcher nhận định.
WHO nhận được tài trợ từ Quỹ Bloomberg Philanthropies của Mỹ, hỗ trợ tăng thuế vào đồ uống có đường để giảm sức tiêu thụ.
Tuy nhiên, Hội đồng quốc tế các hiệp hội đồ uống (ICBA), đại diện cho 2 hãng đồ uống Coke và Pepsi cho biết trong một tuyên bố rằng, họ thất vọng vì "thuế phân biệt đối xử chỉ áp dụng cho các loại đồ uống nào đó" đang được đề xuất như một giải pháp cho "thách thức rất thực tế và phức tạp của bệnh béo phì".
Các quan chức của WHO nói rằng, Mỹ không còn là quốc gia tiêu thụ đồ uống có đường nhiều nhất, trong khi Chile và Mexico đang giữ vị trí này. WHO cũng lưu ý sự gia tăng nhanh chóng trong việc tiêu thụ đồ uống có đường tại Trung Quốc và vùng cận Sahara của châu Phi.
Ít nhất 3 trong 5 thanh thiếu niên ở các nước như Chile, Argentina và Algeria tiêu thụ nước ngọt có ga hàng ngày, so với 20-40% tại Mỹ và nhiều nước châu Âu.
"Chính sách thuế có thể là một công cụ rất quan trọng, chỉ là một công cụ trong số nhiều công cụ, nhưng là một công cụ rất quan trọng đối với việc hạn chế việc tiêu thụ các loại đồ uống có đường", ông Francesco Branca, người đứng đầu Vụ dinh dưỡng cho Sức khỏe và Phát triển của WHO nhấn mạnh.
Ông Francesco Branca cũng chỉ vào những nỗ lực "tiên phong" của tỷ phú Michael Bloomberg trong thời gian làm thị trưởng thành phố New York và các quan chức khác của Mỹ để giảm việc tiêu thụ đường.
Lê Thảo (Lược dịch từ AP & Foxnews)