Hạnh phúc khi được làm việc thiện

 

Được sự giới thiệu của một cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã Lộc Vĩnh, chúng tôi đã tìm về nhà của cụ Hoàng Lộc (84 tuổi) và vợ là bà Nguyễn Thị Thanh Hiền trong một ngày đầu tháng sáu, dưới cái nắng gay gắt của mùa hè. Ngôi nhà của cụ Lộc nằm ở thôn Bình An 1 (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) là địa chỉ nhân đạo cho nhiều mảnh đời bất hạnh.

 

Cụ Lộc cùng vợ

 

Hơn 30 năm qua, tháng nào họ cũng trích ra 200 nghìn đồng tiền lương hưu và kêu gọi các nhà hảo tâm để hỗ trợ, chia sẻ với người khốn khó. Cụ Lộc lý giải đơn giản về việc làm của mình: “Tôi may mắn trở về từ chiến trường, cùng với nỗ lực của bản thân và được Nhà nước đãi ngộ, cuộc sống cũng ổn định, con cái ngoan ngoãn, thành đạt, thấy một số bà con gặp nhiều bất hạnh, tôi chỉ muốn bản thân mình được góp chút công sức mong họ vượt qua khó khăn”. Nhiều người từ đó mà vượt qua hoạn nạn, tiếp tục cuộc sống như bà Ngô Thị Uyển, 80 tuổi, ở thôn Bình An 2 có chồng chết sớm, bản thân già yếu, nuôi cháu ngoại mồ côi. Hay trường hợp bà Lê Chị Chung, 73 tuổi, ở thôn Cảnh Dương có chồng chết, hai đứa con bại liệt do nhiễm chất độc màu da cam. Bà Chung cảm động nói: “Nếu không được vợ chồng bác Lộc hỗ trợ thường xuyên chắc ba mẹ con tui khó lắm”.

 

Bản thân cụ tự nhắc nhủ bản thân rằng mình là đảng viên, phải noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, mình cũng phải làm gương trước để người khác noi theo. Sinh năm 1944, và cũng như chồng mình, bản thân cụ bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, thiếu úy Công an Nhân dân nay về hưu, hàng ngày cụ Hiền vẫn đi lên rừng hái rau má, bắt ốc bán để kiếm thêm tiền, tiếp tục công tác từ thiện cùng chồng mình.

 

Còn sống còn cống hiến

 

Cụ Hoàng Lộc cùng quê với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, mảnh đất Quảng Điền anh hùng. Cụ tham gia kháng chiến từ thời kỳ tiền khởi nghĩa, đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 22 tuổi. Đã từng vào sinh ra tử, sát cánh cùng đồng đội trong nhiều trận đánh ác liệt, nhiều chiến dịch lớn. Năm 1954, cụ tập kết ra bắc và tham gia vào lực lượng Công an vũ trang ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái. Nghệ An… Năm 1968 tham gia chiến dịch tết Mậu Thân, tham gia giải phóng Huế - Đà Nẵng (1975).

 

Sau năm 1975, cụ được điều về công tác bệnh xá bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 1980 nghỉ hưu. Thế nhưng, Lộc Vĩnh ngày đó cán bộ thiếu, cơ sở vật chất hêt sức nghèo nàn. Thấy vậy, cụ Lộc đã tự nguyện đảm đương công việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Cụ tình nguyện làm Trạm trưởng trạm y tế xã Lộc Vĩnh, tận đến năm 2000 mới thật sự được nghỉ ngơi, cụ Lộc cười vui: “Tui là người nghỉ hưu hai lần”.

 

Bản thân cụ Lộc và vợ chịu nhiều mất mát và hy sinh trong chiến tranh. Vợ trước của cụ đã bị giặc hãm hại khi chồng mình ra bắc tập kết, tận đến sau này khi đóng quân ở A So, A Lưới thì cụ Lộc và mệ Hiền mới gặp nhau và kết hôn trở thành vợ chồng, sinh được 5 người con, nhưng đã mất hai người do bị nhiễm chất độc màu da cam.

 

Và điều đặc biệt mà ít ai ngờ tới, hai vợ chồng cụ Lộc là trường hợp đầu tiên của xã Lộc Vĩnh đăng ký hiến giác mạc sau khi qua đời. Nguyên là một bác sĩ quân y, cụ Lộc hiểu rõ việc làm này của mình. Cụ cho biết: “Hiện nay, cả nước có hàng nghìn người bị mù lòa nhưng số người tự nguyện hiến giác mạc lại rất ít. Một người hiến giác mạc thì sẽ giúp cho 2 người được nhìn thấy ánh sáng, đây là một việc làm hết sức cần thiết và ý nghĩa”. Cụ Lộc cho biết, ban đầu các con cụ phản đối việc hai cụ đăng ký hiến giác mạc, nhưng sau khi cụ giải thích, tuyên truyền cho các con, các cháu thì đã thành công. Cụ cũng cho biết, bản thân cụ đã làm di chúc, trong đó có nội dung hiến giác mạc khi qua đời.

 

Sau bao năm tháng đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng cách mạng, cống hiến hết mình cho Tổ quốc, quê hương. Nay nghỉ hưu về địa phương, cụ vẫn tham gia nhiều hoạt động: Hội CCB, Hội Chữ thập đỏ,  Hội Người cao tuổi của xã… dù ở trong quân đội hay cơ quan dân chính, lĩnh vực nào cụ cũng hoạt động sôi nổi. Năm nay đã bước sang tuổi 84, nhưng cụ vẫn còn nguyên khí phách của người bộ đội Cụ Hồ, cụ luôn tâm niệm còn sống là còn làm việc thiện. Ông Văn Đình Phúc – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phú Lộc cho biết: cụ Hoàng Lộc là tấm gương sáng để người dân học tập và làm theo, người dân xã Lộc Vĩnh rất quý trọng và biết ơn những việc mà cụ và vợ mình đã làm cho dân, cho xã. Ông Phúc ví: “Cụ Lộc và mệ Hiền là hai cây tùng bách giữa đồi cát trắng”.

Kiều Oanh