Mặt đất nứt nẻ do khô hạn ở Castellon, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters

Theo nghiên cứu do đại học Aix-Marseille của Pháp thực hiện, nhiệt độ trung bình trong khu vực tăng 1,3 độ C từ cuối thế kỷ 19, trên mức trung bình thế giới là 0,85 độ C,

Biến đổi khí hậu "có khả năng làm thay đổi hệ sinh thái trong vùng Địa Trung Hải theo một cách không có tiền lệ" trong 10.000 năm qua, trừ khi Chính phủ các nước nhanh chóng làm giảm phát thải khí nhà kính, các nhà nghiên cứu viết trên tạp chí Science.

Khi sự nóng lên không được kiểm soát, sa mạc sẽ mở rộng ở phía nam Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, các khu vực phía bắc của Morocco, Algeria,Tunisia, cũng như những khu vực khác bao gồm Sicily, phía nam Thổ Nhĩ Kỳ và một số khu vực ở Syria.

Điều đó sẽ làm thay đổi đáng kể thảm thực vật trong khu vực, nghiên cứu nhấn mạnh.

Cắt giảm phát thải khí nhà kính "là việc làm khẩn cấp cho các khu vực nhạy cảm như Địa Trung Hải", tác giả chính của nghiên cứu, ông Joel Guiot đến từ trường đại học Aix-Marseille nói với hãng tin Reuters.

Được biết, Địa Trung Hải nhạy cảm với sự nóng lên toàn cầu, một phần là do các cơn bão Đại Tây Dương có khả năng chuyển hướng về phía bắc, nghĩa là khu vực này sẽ có nhiều ánh nắng mặt trời và ít mưa.

Trong lịch sử, một số thời kỳ nắng nóng và hạn hán tự nhiên xảy ra trùng khớp với biến động xã hội ở khu vực Địa Trung Hải. Chẳng hạn như vào khoảng năm 1400, khi nhiều người trong đế quốc Ottoman từ bỏ những trang trại không hoạt động hiệu quả để trở thành du mục.

Năm ngoái, một nghiên cứu trên tạp chí Proceedings của Viện hàn lâm Khoa học Mỹ nói rằng, có bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu do con người gây ra đã tạo thêm đợt hạn hán giai đoạn 2007-2010 ở Syria, một yếu tố góp phần vào cuộc nội chiến ngày càng trầm trọng ở nước này.

Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters & Ooyuz)