Đại hội X và XI của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phải thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý theo quy hoạch ở các ngành và các địa phương”.               

Cán bộ trong diện luân chuyển là những cán bộ chủ chốt, có năng lực và triển vọng phát triển. Những cán bộ có nhiều kinh nghiệm quản lý, kiến thức chuyên môn cao được phân công phụ trách những lĩnh vực phù hợp. Những cán bộ trong diện quy hoạch cũng có thể luân chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác để bồi dưỡng, đào tạo. Những cán bộ mà năng lực không phù hợp với công việc đang phụ trách cũng được xem xét, điều động sang làm công việc khác.
 
Việc luân chuyển cán bộ chính là tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ phát huy tài năng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công: “Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển thêm nhiều”.
 
Thực tế, việc luân chuyên cán bộ, trong những năm qua, đã phát huy được tính năng động, sáng tạo của cán bộ lãnh đạo, quản lý hơn hẳn, nếu giữ một chức vụ trong một cơ quan, lĩnh vực, một địa phương nào đó quá lâu. Và cũng thông qua đó, khắc phục được bệnh địa phương, cục bộ; củng cố tình đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong nhân dân. Việc luân chuyển cán bộ đã trở thành nền nếp thường xuyên, đáp ứng yêu cầu tăng cường cán bộ chủ chốt, quản lý cho một số đơn vị, địa phương, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc bồi dưỡng, rèn luyện, đào tạo cán bộ cho yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc luân chuyển cán bộ được xem là công việc bình thường cần thiết và thường xuyên của Đảng ta trước kia cũng như ngày nay vì lợi ích của cách mạng, của dân tộc.
 
Công tác luân chuyển cán bộ tuy đạt được những kết quả tích cực, song vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Đó là, việc luân chuyển cán bộ chưa dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ; không ít trường hợp chưa được xem xét, nghiên cứu kỹ, từ đó, việc luân chuyển chưa phát huy vai trò tích cực của cán bộ được luân chuyển. Ở một số nơi, còn có sự nhầm lẫn giữa điều động và luân chuyển cán bộ. Những hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu là chưa tạo được sự thống nhất trong cấp ủy Đảng, lãnh đạo các cấp, trong cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của công tác này.
 
Để chủ trương luân chuyển cán bộ đạt hiệu quả cao, trên cơ sở thống nhất về nhận thức, việc tổ chức thực hiện cần phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản. Luân chuyển cán bộ được tiến hành vừa mạnh dạn, vừa thận trọng, bảo đảm giải quyết tốt mối quan hệ giữa luân chuyển với ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chuyên sâu; kết hợp chặt chẽ giữa việc giải quyết yêu cầu cấp bách trước mắt với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận chiến lược lâu dài.
 
Trong cách làm, phải hết sức thận trọng, chuẩn bị kỹ kế hoạch và lộ trình thực hiện; không làm ồ ạt, tràn lan, chạy theo số lượng, chỉ tiêu. Cần chọn đúng thời điểm luân chuyển và địa bàn phù hợp mà cán bộ sẽ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý, nhằm phát huy tối đa năng lực, sở trường, thế mạnh của mỗi cán bộ.
 
Luân chuyển cán bộ là công việc mang tính khoa học. Việc điều động, phân công cán bộ dựa trên cơ sở công khai đánh giá đúng đắn trình độ, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ đó, môi trường và địa bàn, cương vị công tác mà cán bộ đó có thể phát huy hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ. Đó cũng chính là việc luân chuyển cán bộ xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ thực tế đặt ra ở các địa phương hay ở các cơ quan trung ương để phân công và điều động cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Trước khi trao công tác, cần bàn bạc kỹ với cán bộ. Nếu họ gánh vác không nổi, chớ miễn cưỡng trao việc đó cho họ. Khi đã trao cho họ, phải hoàn toàn tin họ. Không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác”.
 
Khi thực hiện luân chuyển cán bộ, phải đặt lợi ích chung lên trên hết, kiên quyết chống bản vị, cục bộ địa phương, hoặc vì thân quen, cánh hẩu. Làm ngược lại, sẽ rơi vào tình trạng “Chính sách thì đúng, cách làm thì sai” với những toan tính cá nhân của một số người có động cơ không trong sáng. Kiên quyết không để xảy ra việc lợi dụng chủ trương luân chuyển cán bộ để điều động, đẩy người trung thực, thẳng thắn, người có năng lực thực sự, nhưng không hợp với mình đi nơi khác.
 
Trong việc luân chuyển cán bộ, cần quan tâm đưa cán bộ lý luận ở các cơ quan nghiên cứu ở trung ương về địa phương với phương thức đi thực tế dài hạn và có thể làm công tác lãnh đạo, quản lý ở địa phương. Mặt khác, điều động những cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương có khả năng lý luận, khả năng tổng kết thực tiễn lên các cơ quan lý luận của trung ương, góp phần giúp Trung ương nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam. Sự luân chuyển cán bộ cũng là một chủ trương để gắn liền lý luận với thực tiễn phong phú của đất nước và dân tộc.
 
Một vấn đề không thể không đề cập là, khi cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đã có kế hoạch thực hiện đúng quy trình thì bản thân cán bộ được luân chuyển phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mới.
 
Việc luân chuyên cán bộ phải được coi là một trong những khâu đột phá chiến lược trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” theo Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI).

Chiến Hữu - Văn Chính