Với nhạc phẩm “Hẹn hò” - Phạm Duy, thí sinh Nguyễn Thị Hồng Vân giành nhiều tràng pháo tay từ khán giả và chinh phục hoàn toàn bộ 3 giám khảo. Ảnh: Internet

Tình cờ biết được chương trình này, theo dõi riết rồi ghiền. Có lẽ, một phần do người hát có điểm tương đồng về tuổi tác nên gu thưởng thức âm nhạc cũng có điểm giống nhau. Phần nữa là như muốn soi lại mình, xem thử cái tuổi ngoài 50 có còn thực sự hấp dẫn như xưa, nhất là khi người hát chỉ là những kẻ nghiệp dư. Cũng vì mê nhạc mà họ đến với chương trình, chứ không tham vọng đi tìm bệ phóng cho tương lai. 

Truyền thông TP. Hồ Chí Minh vẫn thế, vốn không quen “đóng khung” ở địa bàn dành cho riêng mình mà bao giờ cũng muốn vươn xa. Bởi vậy mà trên sân khấu “Tiếng hát mãi xanh” xuất hiện một người đàn bà Huế. Chị là Hồng Vân, 52 tuổi, một mình lặn lội từ Cố đô vào, ở lại Sài Thành trong 2 tháng ròng rã để theo cuộc thi từ đầu đến cuối, và rồi vinh dự giành lấy vị trí dẫn đầu cuộc thi âm nhạc “Tiếng hát mãi xanh” lần 6. Không chỉ là giọng ca Huế được ví như “đóa hoa nở muộn” mà Hồng Vân còn là nữ quán quân đầu tiên của chương trình.

Dù chỉ là sân chơi giải trí, nhưng hành trình lên đỉnh của Hồng Vân cũng khiến bao người Huế mình ngỡ ngàng. Liên tục nhận những lời khen “có cánh” từ 3 giám khảo chuyên môn về cách xử lý bài hát tinh tế cùng nét nữ tính dịu dàng vốn có của người đàn bà Huế, thí sinh Hồng Vân đã chinh phục toàn bộ 25 giám khảo báo chí khó tính của Vòng Nhà hát để xuất sắc trở thành thí sinh duy nhất giành được điểm tuyệt đối. Ở các đêm liveshow, Hồng Vân lại âm thầm tiến bước, chinh phục khán giả bằng trang phục đẹp, bằng thần thái có sự thu hút lạ lỳ và đặc biệt, bằng chất giọng cao sáng, ngọt ngào và truyền cảm, gợi nhớ đến một tài danh âm nhạc Huế xưa, nữ ca sĩ Hà Thanh, để rồi thăng hoa với những ca khúc của Ngô Thụy Miên và Phạm Duy.

Hồng Vân đã giành chiến thắng trong đêm chung kết “Tiếng hát mãi xanh 2016”. Với ca khúc “Hẹn hò” của Phạm Duy, nhạc sĩ Trần Long Ẩn đánh giá cao khả năng xử lý tinh tế nhạc phẩm khó hát, còn danh ca Tuấn Ngọc thì chỉ tóm gọn: “Tuyệt vời”. Đó cũng là lời khen mà cả 3 giám khảo Trần Long Ẩn, Tuấn Ngọc và Quỳnh Hương dành cho Hồng Vân ở phần thi song ca, với sự cộng hưởng nhịp nhàng từ ca sĩ Đức Tuấn trong “Tình ca”. Thật không ngoa khi bảo rằng, Hồng Vân đã thăng hoa và giành lấy ngôi đầu bằng các ca khúc của cố nhạc sĩ Phạm Duy, vốn có giai điệu và tâm trạng gần gũi với người Huế mình.

Thí sinh Hồng Vân (thứ 4, trái sang) đăng quang “Tiếng hát mãi xanh” 2016. Ảnh: Internet

Hồng Vân bảo, chị được thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật từ mẹ và bà ngoại, vốn yêu thích và từng đi trình diễn thể loại ca Huế. Chị mơ trở thành ca sĩ, nhưng không thành do gia đình ngăn cản, sợ vất vả. Gác lại ước mơ, suốt mấy chục năm qua, chị sống bằng nhiều nghề như làm thợ may, bán tạp hóa. Hiện tại, chị bán cà phê và thu nhập từ công việc giúp gia đình tạm trang trải cuộc sống. Ban đêm, chị vẫn đi hát tại các phòng trà ở Huế. Trên sân khấu, cô thợ may Hồng Vân đứng cạnh và so tài cùng anh bán cơm tấm Đỗ Minh Tuấn, ông anh làm nghề bảo vệ chợ Dương Công Danh và cả các cụ già đã ngoài tuổi thất thập cổ lai hy Nguyễn Thế Anh. Không có tình yêu và sự đam mê ca hát, khó có thể kéo họ ra khỏi được cuộc sống đời thường, vốn xa lạ với ánh đèn sân khấu. 

Chợt như hiểu và thấm thía hơn về con người Huế. Đằng sau cuộc sống đời thường bình dị, có vẻ như an phận là cả sự đam mê nghệ thuật cháy bỏng và khát vọng được thể hiện. Để rồi, như Hồng Vân chẳng hạn, được khuyến kích và tạo cơ hội là tỏa sáng. Thế nhưng, ở một vùng đất có bề dày văn hóa nghệ thuật, sân chơi và được chơi với người Huế vẫn đang là sự khát khao.

THỤC ĐAN