Zika là loại virus do muỗi truyền có liên quan đến dị tật bẩm sinh như tật đầu nhỏ. Ảnh: AFP 

"Virus Zika vẫn còn là một vấn đề rất quan trọng và lâu dài, nhưng không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu", Chủ tịch Ủy ban khẩn cấp của WHO, ông David Heymann nói.

Trong đợt bùng phát bắt đầu vào giữa năm 2015, hơn 1,5 triệu người nhiễm Zika, chủ yếu tại Brazil và hơn 1.600 em bé mắc tật đầu nhỏ được sinh ra kể từ năm ngoái, theo báo cáo của WHO.

Vào tháng 2/2016, cơ quan y tế toàn cầu của Liên Hiệp Quốc tuyên bố đại dịch Zika là một tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

Brazil, tâm điểm của dịch bệnh trước đó vào ngày 18/11 cho biết sẽ tiếp tục đối phó với Zika như một tình trạng y tế khẩn cấp.

"Chúng tôi sẽ duy trì tình trạng khẩn cấp tại Brazil cho đến khi chúng tôi hoàn toàn yên tâm về tình hình", Bộ trưởng Y tế Brazil Ricardo Barros nói với các nhà báo.

Trong hầu hết các trường hợp trên toàn thế giới, bệnh nhân nhiễm virus Zika do muỗi truyền, mặc dù một số trường hợp nhiễm bệnh qua đường tình dục.

Cũng trong ngày 18/11, WHO kêu gọi cẩn trọng để không bỏ qua những rủi ro vẫn còn đặt ra bởi loại virus đã được phát hiện tại 73 quốc gia trên toàn thế giới, chủ yếu là ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribe.

"Chúng tôi không hạ thấp tầm quan trọng" của việc đối phó với virus Zika, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO Peter Salama nhấn mạnh.

Lê Thảo (Lược dịch từ AFP & Nytimes)