Cách nay 10 năm, anh Dương Phước Thu cất công tìm tòi và đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Huý kỵ và quốc huý thời Nguyễn”. Tôi nhớ trong lời tâm sự đầu cuốn sách, anh Thu đã nói đến chuyện thường bắt gặp nhiều tên người, tên đất ở Thừa Thiên Huế do kiêng tránh mà phải gọi trại và thành những tên khác. Với người Việt ta, việc đặt tên không chỉ hàm chứa nhiều ý nghĩa văn hoá, thể hiện những mong ước và gửi gắm, mà một thời từ rất lâu còn thể hiện sự hiểu biết về những quy định và tục lệ mà việc kiêng tránh- huý kỵ là một minh chứng. Ở Huế càng khó khăn hơn và không có gì lạ khi hàng trăm năm trời, đây từng là thủ phủ, rồi kinh đô của đất nước. Đã có nhiều trường hợp tên gọi đã được thay đổi vì phạm huý. Chợ Đông Ba nổi tiếng là một ví dụ. Nguyên trước đó chợ có tên Đông Hoa. Cũng bởi vì đây là tên của vợ vua Minh Mạng, bà Hồ Thị Hoa gốc người Biên Hoà (Nam bộ) mà Đông Hoa đã phải gọi trệch thành Đông Ba và để rồi, định danh ấy sống mãi với thời gian.

Trở lại tên gọi những cây cầu bắc qua sông Hương. Bài thơ “Thuận Hoá thành tức sự” của nhà thơ Thái Thuận thời vua Lê Thánh Tôn có câu: “Ghe thuyền qua lại sớm liền trưa/ Cầu Mống giăng sông cửa nước chừa”. Thi sĩ Quách Tấn căn cứ vào bài thơ này đã khẳng định, vào thời Lê, sông Hương đã có cầu và ít nhất có đến hai tên gọi. Cầu được làm bằng song mây bó chặt lại với nhau và nối liền nhau, nên có tên là cầu Mây. Cũng vì cầu có hình cái mống úp lên sông, nên còn có tên là cầu Mống. Cầu Trường Tiền nổi tiếng được xây dựng từ năm 1879 cũng đã có nhiều tên gọi khác nhau, ít nhất là trên giấy tờ: Cầu Thành Thái, cầu Clémenceau (tên của Thủ tướng Pháp thời đệ nhất thế chiến, sau năm 1907 khi vua Thành Thái bị Pháp bắt đi đày ở đảo Réunion), cầu Nguyễn Hoàng thời Chính phủ Trần Trọng Kim. Tên gọi Trường Tiền (hay Tràng Tiền) hiện nay là từ tên gọi dân gian với nghĩa là cầu bắc qua sông Hương ở gần vị trí đúc tiền thời Nguyễn. Hay nữa là chuyện bốn mươi năm trước, có thêm một chiếc cầu mới được xây dựng mà bây giờ ta vẫn thường qua lại. Từ khi thi công cho đến khi khánh thành, chính quyền lúc bấy giờ đã chuẩn bị sẵn tên gọi là Phú Xuân, thế nhưng không ít người vẫn cứ gọi đó là cầu Mới, nghe gần gũi và thân quen lạ. Lại có người đề xuất nên đặt tên là “cầu Chống Mỹ”, gợi nhớ một thời người dân Huế xuống đường đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.

Lại nghĩ đến người Huế mình, ít nói nhưng ý tứ, thâm trầm, sâu sắc trong lời ăn tiếng nói và ứng xử hàng ngày. Ở vùng đất văn hoá - lịch sử với bao dấu ấn ken dày tầng tầng lớp lớp này, việc gán ý nghĩa cho những tên gọi không khó, vậy nhưng để tên gọi đi vào lòng người thì không dễ. Điều lạ, có khi nó chỉ là điều gì đó được bắt đầu rất bình thường. Tôi đã nghĩ đến tên gọi Đông Ba có được từ cách đọc trệch hay Trường Tiền chỉ đơn giản là cầu gần nơi đúc tiền. Vậy mà kỳ lạ thay, tên gọi Đông Ba hay Trường Tiền dung dị ra đời đã là bổ sung tuyệt vời và làm giàu thêm gia tài văn hoá Huế vốn đã có bản sắc phong phú. Đó mới là cách đặt tên kiểu Huế, phù hợp với tâm hồn, tính cách của người dân đất Thần kinh, đơn giản mà sang trọng và hơn thế, không góp nhặt và lặp lại người đời.

 Đan Duy