Góc làm việc của họa sĩ Bửu Chỉ vẫn còn nguyên như trước
Chị Trần Thị Tường Vy - vợ của họa sĩ Bửu Chỉ - dẫn tôi thăm góc vẽ ưa thích của chồng mình lúc còn sống. Cái giá vẽ bằng gỗ lim và chiếc tủ nhỏ đựng màu im lìm vì vắng tay người sử dụng đã 14 năm - kể từ 14/12 - ngày mưa lạnh của mùa đông năm 2002 định mệnh. Từ góc vẽ này, nhìn ra sông Hương thật gần. Những cây vải già với màu lá xanh đậm, tán tròn um tùm che cả một khoảng trời lớn ở sân sau. Tôi hình dung không gian này những ngày lộng gió của mùa hè, tiếng ve kêu râm ran và gió từ sông Hương thổi lên mát rượi. Rồi những ngày đông, có thể nhìn thấy màu nước bạc của sông.
Trong khung cảnh này, 12 năm cuối đời, họa sĩ Bửu Chỉ đã vẽ những bức tranh thiền, những bức tranh đậm chất triết lý của đời sống con người như thời gian, sự sống, cái chết… Sự chuyên sâu vào đề tài này tạo nên một phong cách mới trong sáng tác của Bửu Chỉ, ấn tượng đến nỗi giới phê bình nhận định rằng đây là giai đoạn thứ 3 trong sự nghiệp vẽ tranh của anh. Giai đoạn đầu là thời kỳ anh vẽ tranh bút sắt mực nho, tham gia tranh đấu và bị bắt đi tù ở Côn Đảo. Tuy chỉ 5 năm (1970-1975) nhưng tên tuổi họa sĩ Bửu Chỉ lan ra cả thế giới với những tác phẩm đấu tranh mạnh mẽ vì độc lập, tự do và khát vọng hòa bình. Giai đoạn thứ hai là thời kỳ anh vẽ tranh minh họa cho Tạp chí Sông Hương. Nhà văn Nguyễn Khắc Phê cho tôi xem bộ 7 bức tranh bút sắt cỡ nhỏ họa sĩ Bửu Chỉ vẽ tặng kỷ niệm khi anh rời Tạp chí Sông Hương với lời nhận xét “Bửu Chỉ là một người làm việc có trách nhiệm, mẫn cán. Anh ấy sống trung thực, dũng cảm”. Đó là bộ 7 bức tranh ít người được chiêm ngưỡng, mà gần đây, nhà văn Nguyễn Khắc Phê mới chỉ dùng một bức trong tự truyện của mình.
Một số tác phẩm tiêu biểu của họa sỉ Bửu Chỉ lúc sinh thời
Mưa ngoài trời vẫn không ngừng rơi, chị Tường Vy cho biết đã làm hồ sơ xét trao tặng Giải thưởng Nhà nước cho họa sĩ Bửu Chỉ với mảng tranh bút sắt thời tranh đấu của anh. Gia đình đã chọn gửi hình 30 bức tranh trong số gần 100 bức, mà phần lớn được họa sĩ vẽ từ năm 1972-1975 lúc ở tù Côn Đảo, để làm hồ sơ. Đó là một thời thanh niên sôi nổi, nhiệt huyết và quyết liệt của họa sĩ Bửu Chỉ khi tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên - học sinh Huế đòi hòa bình, độc lập cho quê hương. Sự xuất hiện của hình thức đấu tranh trực diện bằng tranh này của Bửu Chỉ là hết sức độc đáo trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
“Anh Chỉ vẽ tranh rất nhanh. Anh có thể vẽ bằng ngọn tre, bút sắt và cả bằng ngón tay. Đôi lúc anh cũng kể lại cho tôi nghe vì tình thế đấu tranh khẩn cấp, anh vẽ vừa xong là anh em đưa ngay ra đường đi tranh đấu. Anh vẽ tranh ở trong tù, bị đánh bầm dập hai bàn tay để lại di chứng khi trở trời đau nhức”, chị Tường Vy như sống lại những hồi ức về chồng mình.
Học Luật nhưng lại thành danh với hội họa, họa sĩ Bửu Chỉ “hình như” hưởng gen tự học vẽ từ cụ thân sinh của mình. Theo chị Tường Vy, hiện còn khoảng 80 bức tranh sơn dầu và 80 bức tranh mực Nho của họa sĩ Bửu Chỉ. Ngoài nỗi lo tranh xuống cấp theo thời gian và thời tiết khắc nghiệt như ở Huế, chị Tường Vy cũng chia sẻ nếu Bảo tàng Mỹ thuật Huế thành lập và đi vào hoạt động thì sẽ hiến tặng một vài bức tranh đẹp của chồng mình.
Gió từ sông Hương vẫn vi vút thổi ngoài vườn. Như chưa hề có cuộc chia xa nào khi trên bàn làm việc của anh - chiếc bàn gỗ cỡ lớn - vẫn còn bày biện những món đồ sứ cổ, vật anh thích trưng bày; trên chiếc ghế vẫn vắt chiếc áo da ngày anh mặc cuối cùng. Và, những bức tranh của họa sĩ Bửu Chỉ vẫn chuyển đến người xem những thông điệp về cuộc sống, từ đấu tranh vì độc lập, tự do của quê hương cho đến những chiêm nghiệm về cuộc đời, về thân phận con người hữu hạn trong miên man bất tận của thời gian.
“Mới thôi đã một đời người!”. Câu thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường chợt đến khi tôi chào chị Tường Vy ra về. Thơ nhẹ như gió mà sức nặng như của một đời người. Và với Bửu Chỉ, cuộc đời anh là một sức nặng của nghệ thuật phục vụ cuộc sống, phục vụ con người.
Bài, ảnh: XUÂN AN