Trong lần trò chuyện với một nhà nghiên cứu, ông cho biết, đến nay, nước ta chưa có một bảo tàng hoàn chỉnh về nghề đi biển hay truyền thống văn hóa biển trong khi các quốc gia biển trong khu vực lại đầu tư hoàn chỉnh cho mảng này. Truyền thống không chỉ lưu giữ trong ký ức mà cần một môi trường, một địa chỉ để trưng bày và chia sẻ. Đó là bằng chứng hiển hiện chứng minh việc xác lập chủ quyền biển đảo nước ta (bằng văn bản, bằng hình ảnh, bằng vật dụng…) mà các bậc tiền nhân đã dày công gây dựng. Ngoài cơ chế của nhà nước, việc lập bảo tàng cần có sự chung tay của nhiều người. Tiếc là thiếu tiếng nói của các mạnh thường quân trong khi họ sẵn sàng bỏ ra tiền tỷ đầu tư cho các cuộc thi, trò chơi mang tính giải trí.

Tấm bia đá cổ từ thời Minh Mạng - mốc giới về quyền đánh cá của ba làng tại Gềnh Lăng

Thừa Thiên Huế là nơi phát hiện nhiều thư tịch cổ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Chúng ta có lực lượng nghiên cứu có tâm, có tầm, sẵn sàng chung tay, góp sức cho những vấn đề liên quan đến văn hóa - lịch sử. Cùng với ý tưởng bảo tàng nghề cá vùng đầm phá, quy hoạch bảo tàng thiên nhiên khu vực duyên hải miền Trung được phê duyệt… một góc dành cho bảo tàng biển – đầm phá có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục, hun đúc niềm tự hào cho thế hệ trẻ về giá trị tài nguyên và truyền thống dân tộc. Tất nhiên, mô hình bảo tàng riêng hay lồng ghép hai trong một, ba trong một sẽ là sự lựa chọn của các nhà chuyên môn, các nhà quản lý. Việc còn lại là công tác xúc tiến như thế nào bởi có lẽ, thời điểm đã chín!

A.Túc