Hoa lài có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau được đem trồng ở nhiều nơi ở châu Á để làm cảnh, thưởng hương trà, làm phương thuốc điều hòa chân khí, làm mát làn da mỹ nữ, thoa mặt gia tăng nhũ hương nhan sắc. Hoa lài còn được xem là biểu trưng cho sự thanh lịch, tao nhã: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Ở Huế, năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu Đỉnh, vua cho chạm hình tượng hoa lài lên Chương Đỉnh. Chuyện có lạ không?

 

Hoa lài, gọi chân quê vậy mà có đến bao nhiêu cái tên. Gắn với địa danh, có lài Ấn Độ, lài Ducloux, lài châu Phi, lài Tây Ban Nha, lài Quảng Tây, lài Hồng Thủy, lài Bắc bộ, lài Piere... Gắn với đặc tính có lài núi, lài lá quế, lài lá mác, lài thon, lài lá rộng, lài ống dài, lài đài nhỏ, lài hồng, lài vàng, lài sáng bóng, lài năm gân, lài mùa đông... Lài mùa đông là loại hoa lạ, nở riết róng giữa mùa băng giá, bất chấp gió tuyết mưa sa...

 
Cổ tích kể ngày xưa, người họa sỹ nọ được phân công đi vẽ màu cho các loài hoa. Để có được màu sắc thật đẹp cho mình, các loài hoa đã ra sức nịnh nót, bợ đỡ, hối lộ người họa sỹ. Riêng hoa lài không chịu cúi mình, khiến họa sỹ bực mình, không màng đến: -“ Mi là cái thá gì mà không chịu cầu xin và hạ mình! Vậy vĩnh viễn với mi sẽ chỉ là màu trắng!”. Họa sỹ phán. Nhưng không ngờ vì thế, lài mảnh dẻ mà cương nghị đến nay vẫn riêng mang những cánh hoa tinh khiết, trắng muốt mà chúng ta vẫn thấy bây giờ.
 
Trong ca dao, hoa lài được dùng để ám chỉ nhiều hiện tượng. Nhưng gần như đa số dùng để chỉ hương sắc đáng yêu của người con gái:
 
Em là con út nhất nhà/ Lời ăn tiếng nói thật là khoan thai/ Miệng em cười như cánh hoa lài/ Như nụ hoa quế như tai hoa hồng/ Ước gì anh được làm chồng/ Để em làm vợ tơ hồng trời xe”...
 
Hay “Ba cô anh lạ cả ba/ Bốn cô anh lạ cả bốn biết là ai quen ai?/ Anh chỉ quen một cô da trắng tóc dài/ Miệng cười như cánh hoa lài nở nang”...
 
Nhưng hoa lài cũng để chỉ cái đẹp bên trong: “Càng thắm lại càng mau phai/ thoang thoảng hương lài mà lại bền lâu”. Và cái cao quý: “Anh đừng tham bông quế, bỏ phế bông lài/ Mai sau quế rụng, bông lài thơm xa...”.
 
Hoa lài cũng xuất hiện trong những ngữ cảnh dấm dẳng đáng yêu của thôn nữ ngày xưa: “Tai nghe lệnh cấm hoa tai/ Em đeo hoa lý hoa lài cũng xinh”; hay một câu đối đáp: “- Búp hoa lý là nụ hoa lăng/ Ở nhà thầy mẹ dặn mần răng em mờ? – Búp hoa lý là nụ hoa lài/ Ở nhà thầy mẹ dặn kết ngài (người) như anh”...
 
Đó chính là tiền đề để đôi trái gái bày tỏ tình yêu đôi lứa, ước hẹn duyên tình: “Anh về tô lý tô lài/ Tô nhà tô cửa tháng hai em về”. Và hoa lài cũng được nhắc đến trong tình yêu chồng vợ: “Đôi ta lấm tấm hoa lài/ Chồng đây vợ đấy kém ai trên đời”. Lấm tấm nghĩa là không lớn quá, bình thường thôi, nhưng nó cho thấy hai vợ chồng kia rất tự tin, bởi họ biết họ cũng là hoa lài có kém ai đâu. Trong quan niệm dân gian xưa, hoa lài từng được xem là thứ cao quý nhất, như trong một câu ca dao phổ biến nhất ca dao Việt Nam đã nói: “Con vợ khôn lấy thằng chồng dại/ Như bông hoa lài cắm bãi c... trâu”.
 
Các nhà thơ xưa có hai người rất nổi tiếng đã từng nhắc đến hoa lài. Thứ nhất là “Người ham chơi” Nguyễn Công Trứ, khi mở đầu bài “Vịnh cảnh Hà Nội”, ông đã nhắc ngay đến câu ca dao nổi tiếng: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không lịch sự cũng người Tràng An”...
 
Người thứ hai không chỉ nhắc mà làm hẳn một bài vịnh “Hoa nhài”, đó là một trong những người có tư tưởng vì dân lớn nhất trong lịch sử dân tộc: Nguyễn Trãi. Có một dấu lặng khi nhắc đến hoa lài, đó là ngày xưa các văn nhân thi sĩ ví loài hoa này với người kỹ nữ. Nguyễn Trãi cũng vậy:
 
Mai son bến phấn day day
Đêm nguyệt đưa xuân một nguyệt hay
Mấy kẻ hồng nhan thì bạc phận
Hồng nhan kia có cậy mình thay
 
Mai son là chiếc thuyền sơn màu son của kỹ nữ. Bến phấn là nơi thuyền ấy đỗ lại. Bài thơ buồn như một dấu than trên dòng sông trôi dạt phận người. “Đêm nguyệt đưa xuân một nguyệt hay” là nỗi cô đơn, chỉ mình mình biết, chỉ mình mình hay sau chuyến đò xuân khách tình sang bến, để lại cõi lòng trống vắng kinh người. Bởi thế nên mới đổ hết mọi sự cho “hồng nhan bạc phận”, “hồng nhan đa truân”. Cũng là cách cảm theo lẽ thường dân gian, nhưng câu kết ở bài thơ như một giọt lệ nơi khóe mắt người quân tử Nguyễn Trãi:“Hồng nhan kia chớ cậy mình”. Đó không phải là cái nhìn xem thường kỹ nữ như có nhà phê bình đã phân tích; ở đây, ẩn bên trong cái cách chỉ ra quy luật tạo hóa trớ trêu đó, người quân tử Nguyễn Trãi đã cất một tiếng than thầm...
 
Tiếng than ấy và tư tưởng vì dân ấy còn vọng đến giờ.
Dấu chân hoa lài còn lang thang mãi đến đâu?
 
Hạ Nguyên