Sinh viên cơ khí Trường ĐH Nông lâm thực tập tại xưởng
Thị trường chờ lao động
Kết thúc lớp 12, học sinh đứng trước ngã ba đường là chọn học đại học (ĐH) hay học nghề. Thời gian qua, nhiều trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực đưa ra những đánh giá, tư vấn để đối tượng vừa hoàn thành chương trình học phổ thông tham khảo. Ông Nguyễn Thanh Quốc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao cơ điện nông nghiệp miền Trung cho biết, cơ khí là một trong 10 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng nhân lực đều đặn qua các năm. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên dễ dàng tìm được việc làm phù hợp, với mức thu nhập ổn định tại các nhà máy, công ty cơ khí, tập đoàn, viện nghiên cứu,… trong và ngoài nước.
Ở Huế, “cửa lớn” ngành cơ khí luôn chào đón sinh viên và người học nghề. Ngoài các trường nghề, cơ sở tư nhân đào tạo nghề, thì Trường ĐH Nông lâm – ĐH Huế cũng đào tạo kỹ sư ngành cơ khí tại Khoa Cơ khí – Công nghệ. Hai hướng đào tạo này mở ra khả năng đáp ứng nguồn cung lao động mà thị trường việc làm đang cần. Tại Trường ĐH Nông lâm, tỷ lệ sinh viên cơ khí ra trường trong năm đầu có việc làm chiếm 90 – 95%, trong đó, các tỉnh, thành phía nam như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… là mảnh đất màu mỡ về việc làm. TS. Nguyễn Văn Toản, Trưởng khoa Cơ khí – Công nghệ, Trường ĐH Nông lâm phân tích, đây là ngành mà thị trường lao động luôn cần nhân lực bởi sự phát triển của các doanh nghiệp. Bất kỳ nhà máy nào cũng cần đến vai trò của người vận hành, sửa chữa máy móc, bên cạnh đó, nông nghiệp ngày càng áp dụng cơ giới hóa.
Sinh viên cơ khí Trường ĐH Nông lâm thực tập tại xưởng
Tại hội thảo kỹ sư công nghệ kỹ thuật cơ khí và nhu cầu thị trường lao động, các đại biểu cho biết, hiện nay các khu công nghiệp, chế xuất trên địa bàn các tỉnh phía nam luôn trong tình trạng thiếu hụt đội ngũ kỹ sư lành nghề các ngành chế tạo máy, tiện, phay… dù đăng tuyển khá nhiều. Chỉ tính riêng TP. Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 1.500 doanh nghiệp hoạt động trong ngành cơ khí, với tổng số lao động khoảng 57.000 người, dự báo chỗ việc làm trống bình quân hằng năm là 8.100 người. Năm 2016, phía đối tác Nhật Bản tuyển lao động cơ khí có trình độ kỹ sư sang làm việc tại Nhật Bản. Đây là những cơ hội tốt để người học nghề cơ khí tại Huế nắm bắt nhu cầu.
Tự khẳng định chất lượng
Với bức tranh thị trường lao động sáng sủa, cơ hội đang chia đều tất cho sinh viên và người học nghề cơ khí trên toàn quốc. Hiện nay, ngoài chương trình đào tạo kỹ sư cơ khí tại Trường ĐH Nông lâm, hệ thống các cơ sở tư nhân đang đào tạo nghề tại Huế cũng rất lớn. Điển hình như các cơ sở tiện – doa, sửa chữa ô tô – xe máy,… Nhiều người cho rằng, “đẳng cấp” giữa sinh viên ĐH cao hơn người học nghề cơ khí, thực tế không phải thế khi nhiều doanh nghiệp phía nam xem bằng cấp là yếu tố phụ, xếp sau năng lực thực chất. Hai đối tượng này đều phải tự trải qua một quá trình nỗ lực để cạnh tranh lẫn nhau.
Tuy nhu cầu thị trường lao động ngành cơ khí lớn, song xét ở nhu cầu người cần việc trong cả nước, nhất là các trường bách Khoa đang đào tạo ngành cơ khí, thì cơ hội cho người học nghề cơ khí ở Huế có chút “rung rinh”. Tại một số buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp, đại diện các doanh nghiệp chia sẻ điểm yếu của sinh viên và người lao động tỉnh nhà khi cạnh tranh với các tỉnh, thành khác là tính năng động và kỹ năng mềm. Một số người còn cho rằng, tính thực hành khi đào tạo sinh viên phải được quan tâm kỹ hơn.
Theo TS. Đỗ Minh Cường, Trưởng bộ môn kỹ thuật cơ khí (Trường ĐH Nông Lâm), Huế có lợi thế về cơ khí nông nghiệp. Một số đơn vị đào tạo ngành cơ khí (kể cả các trường bách Khoa), không có ưu thế về việc nghiên cứu, ứng dụng vận hành, sữa chữa các loại máy cày, gieo, làm luống,…bằng ở Huế. Song, nguyên lý vận hành máy móc có những điểm tương đồng, nên đó không phải là trở ngại của lao động ngành cơ khí các địa phương nếu họ biết cách tự học.
Hiện nay, nhiều cơ sở làm nghề cơ khí tư nhân ngày càng hiện đại hóa máy móc tạo ra lợi thế cho người học khi được tiếp cận cơ sở vật chất hiện đại. Ở trường ĐH, ngoài hệ thống cơ sở vật chất hiện có, nhà trường cũng tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, đẩy mạnh quá trình thực tế, thực tập cho sinh viên. Nói cách khác, “thiên thời, địa lợi” đã có, vấn đề cần là người học (kể cả sinh viên và người học nghề) cần nỗ lực để tự khẳng định mình.
Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc