Trẻ con ngày ấy hầu như đứa nào cũng thuộc đồng dao, cũng chơi các trò chơi dân gian và gần như trò chơi nào cũng gắn với đồng dao. Có hôm trời mưa, ngồi buồn, chúng tôi lại hát: “Lạy trời mưa xuống/Lấy nước tôi uống/Lấy ruộng tôi cày”…; Giờ tan trường trên đê ruộng về nhà, chúng tôi lại nhảy chân sáo thay nhau đọc đồng dao: “Lúa ngô là cô đậu nành/ Đậu nành là anh dưa chuột/Dưa chuột cậu ruột dưa gang...”.
Cuộc sống bây giờ đổi thay, trẻ con từ nhà quê đến thành phố đều mệt với việc học. Có chút ít thời gian thì xem phim, vào mạng, vào “phây”, chơi game. Về quê bây giờ cũng hiếm khi bắt gặp hình ảnh trẻ con tụm năm, tụm bảy chơi các trò chơi như táng lon, trốn tìm, bịt mắt bắt dê... Để dỗ dành con trẻ, các mẹ, các chị cũng không nghĩ đến hát đồng dao mà thay vào đó là cho con xem hay mở những bản nhạc hiện đại, mở phim hoạt hình... Trong khi thực tế, đồng dao là một phương thức giáo dục hiệu quả bởi nó dễ thuộc, dễ nhớ. Những bài đồng dao “Gọi mẹ”, “Gọi nghé” của trẻ mục đồng; đồng dao về chim chóc, hoa lá cỏ cây... đều toát lên tình yêu thiên nhiên, con người, lao động. Những bài đồng dao ngắn gọn, dễ nhớ sẽ cung cấp cho trẻ thêm những kiến thức về các con vật, sự việc quanh mình, hay phê phán thói hư tật xấu: “Cho đi học chữ/Nhiều chữ ai vay/Cho đi học thầy/Rằng nghề ấy khó/Cho đi làm thợ/Nói nghề ấy buồn/Cho đi học buôn/Nói nghề ngồi chợ”… Những câu hát đồng dao dù rõ nghĩa hay vô nghĩa nhưng luôn đem lại sự thích thú cho con trẻ, chứa đựng cái nhìn hồn nhiên trước cuộc đời.
Nhiều người gần như lãng quên đồng dao. Trong các giờ học ngoại khóa, các trường cũng ít, thậm chí không dạy các bài đồng giao hay trò chơi gắn với đồng dao. Thế hệ tôi, biết bao người gắn kết với nhau qua những bài hát đồng dao. Đồng dao chính là nét đẹp gắn bó với quê hương, là văn hóa truyền thống, để tình bạn nối kết bền chặt... Nếu hôm nay hoặc ngày mai, đồng dao bị để lãng quên là một điều rất đáng tiếc!.
Ninh Hoàng