Thủ phủ của cây nưa ở Huế chính là vùng quê Quảng Thọ (Quảng Điền), nưa mọc xanh um ven sông Bồ, dọc các làng La Vân, Tân Xuân Lai, Phò Nam, Niêm Phò...

Cuối hạ, sang mùa lũ là đến kỳ nhổ nưa. Thân (chột) có thể ăn tươi bằng cách kho nhưng thường được làm dưa vì thứ nhất là ăn tươi mấy cũng ớn, thứ hai là làm dưa để còn tích trữ qua mùa lụt lội. Dưa nưa đặc biệt ngon, thơm mùi đất đai cây cỏ và giòn chứ không mềm xèo như môn.

Nhà thơ Tố Hữu chỉ nhắc đến chột nưa một lần trong đời làm thơ thôi mà bao nhiêu người phải nhớ: “Ăn đi vài con cá, dăm bảy cái chột nưa, có ai biết ai ngờ, chết làm chi cho khổ” (Con cá chột nưa). Hẳn khi làm những câu thơ này, nhà thơ nhớ đến cánh đồng nưa xanh Niêm Phò bên dòng sông Bồ, xanh ngăn ngắt kéo dài từ đầu làng đến cuối xóm. Thực tế thì chột nưa có nhiều món ngon. Thường nưa tươi được thu hoạch khi bắt đầu mùa lụt, sẵn cá nguồn theo nước lũ đổ về đầy sông, bây giờ cá nưng nức trứng, nấu cách gì cũng ngon. Dưa tươi nấu canh với cá trê đồng hay cá lóc bông, cho thêm tí ruốc và ớt bột nữa, thì phải nói dậy mùi rất riêng trong bàn tiệc. Nưa tươi nấu với cá nước lụt, kể cả cá vụn như cá cấn, cá mại, cá hỏn, cá bống, cá sơn... dù bất kể kho hay nấu canh, tất tật đều bảo đảm ai ăn một lần rồi thì cứ đến mùa nước lũ lại ngơm ngớp ngóng về quê...

*

Nhưng chuyện tuế toái nhất lại là cái ngứa đành hanh của củ nưa. Củ nưa xấu xí xù xì, màu vỏ nâu đen, có củ to nặng cả ký lô. Vì nó ngứa mà ngon, mà vì cả ngày xưa nghèo không có cái ăn, nên dù ngứa cũng tìm cách mà ăn. Vậy là suốt hàng trăm năm, người nhà nông trong các kinh nghiệm để đời có một kinh nghiệm nấu nưa không ngứa. Thứ nhất phải nhớ là chờ khi nước thật sôi mới thả củ nưa vào, thứ hai là nếu vẫn còn ngứa, thì thả vào nồi vài cục than còn đỏ rực. Vì cái kinh nghiệm “than” này, nên nhiều khi bát cháo nưa múc ra bát rồi vẫn còn tòng teng mấy cọng than đen thui thủi. Nhưng cháo nấu bằng củ nưa với tép thì phải nói là “trên cả tuyệt vời”. Cháo nưa ăn giờ nào cũng ngon, ngon nhất là đêm khuya lạnh, ngồi ăn cháo nưa bên ngọn đèn dầu leo lét, phía trong góc nhà bếp có mấy con gà ngủ mớ kêu cút rút co ro...

Nghe nói hồi bão lụt năm Thìn, cây nưa cứu đói cho cả vùng dọc hạ lưu sông Bồ. Rồi cả những năm sau này khi đất nước khó khăn, nưa lại đồng hành với con người trong cuộc sinh tồn nhọc nhằn đầy toan lo vất vả. Người lớn tuổi xa quê nhiều người vẫn còn nhớ đến quặn lòng quãng đời đã đi qua với những chiều mưa buồn xứ Huế, cả nhà quây quần bên rổ nưa, nhớ đến rớt nước mắt như thể cái ngứa đang đành hanh trên lưỡi hôm nảo hôm nào...

Thanh Ngọc