Mưa trái mùa gây lụt nghiêm trọng ở Thái Lan. Ảnh: Reuters

Mùa mưa ở Thái Lan thường kết thúc vào khoảng cuối tháng 11 hằng năm, tình trạng mưa lớn và lũ lụt trong tháng Giêng như hiện nay là rất hiếm. Theo lời các quan chức, mưa lớn trái mùa đợt này đã tấn công 12 trong số 67 tỉnh trên cả nước.

"Chúng tôi đã đưa đến nhiều binh sĩ, cảnh sát và quan chức từ Bộ Nội vụ để xoa dịu tình hình", Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan nói với các phóng viên.

Số liệu từ Bộ Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai cho thấy, tính đến hôm nay (9/1), số nạn nhân thiệt mạng do lũ lụt đã lên tới 21 người, với hơn 330.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng.

Cũng theo đó, sân bay chính tại tỉnh Nakhon Si Thammarat sẽ vẫn phải tiếp tục đóng cửa trong thời gian tới. Một tuyến đường sắt từ thủ đô Bangkok đến Nakhon Si Thammarat cũng đã bị đình chỉ.

Nhiều thành phố vẫn còn chìm trong nước lũ. Ảnh: Business Times

Ở miền Nam Thái Lan - khu vực sản xuất cao su lớn của cả nước, đợt lũ lụt này xảy đến vào thời điểm đặc biệt có hại cho nông dân, chủ tịch Hội đồng cao su thiên nhiên Thái Lan Uthai Sonlucksub cho biết.

"Đây là đợt thiệt hại tồi tệ nhất ở khu vực này đối với chúng tôi trong 10 năm qua. Những trận lụt rất nghiêm trọng. Vấn đề là năm nay chúng tôi phải chứng kiến cả hạn hán và lũ lụt, do đó người trồng cao su phải gánh chịu rất nhiều thiệt hại", ông Uthai tiết lộ với Reuters.

Chủ tịch Uthai cho rằng, giá cao su theo đó sẽ tăng cao trong năm nay vì nguồn cung sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.

"Tôi đã có đơn đặt hàng từ Trung Quốc, nhưng chúng tôi thậm chí không dám chắc chắn liệu có thể đáp ứng nổi các đơn đặt hàng hay không vì sự tàn phá mà lũ lụt gây ra hiện nay", ông nói, cho biết thêm rằng "nếu họ mua, cao su sẽ có giá cao hơn so với dự kiến".

Một đợt lũ lụt trên diện rộng cũng đã xảy ra ở Thái Lan hồi năm 2011, làm chết hơn 900 người và gây ra sự gián đoạn lớn cho ngành công nghiệp, cắt giảm tăng trưởng kinh tế của đất nước trong năm đó xuống chỉ còn 0,1%.

Bảo Nghi (Lược dịch từ Reuters & CNA)