Lại một chuyện khác là tiền gửi tiết kiệm. Cũng đã lâu lắm rồi, tôi nghe râm ran chuyện nhân viên một số ngân hàng chào mời khách hàng gửi tiền với lãi suất cao hơn quy định được niêm yết. Gần đây lại thấy tình trạng này càng phổ biến. Tuy nhiên, việc chào mời cũng rất thậm thà thậm thụt, kinh doanh làm mà cứ như đang làm việc gì phi pháp, không rõ ràng, minh bạch. Thực tế là lãi suất tiền gửi chào mời hay còn gọi bằng một tên khá sang trọng là lãi suất thoả thuận cao hơn trần lãi suất quy định (đang quá thấp) đến vài phần trăm một năm. Thêm một nguồn lãi không hề nhỏ, người gửi ai mà chẳng thích, chỉ lo và sợ rủi ro hay… bị lừa.
Chuyện mua bán đôla của ông bạn già cũng như cách chào mời khách hàng của mấy nhân viên nhà băng khiến tôi nhớ đến việc mua bán, trao đổi thời bao cấp tưởng mãi mãi đã đi vào dĩ vãng. Thời đó, dân quê như mẹ tôi có chỉ vàng muốn bán để mua sắm sách vở cho con hay trang trải sinh hoạt, đi qua đường Trần Hưng Đạo, nhìn vào bản giá niêm yết công khai trong cửa hàng Nhà nước mà cứ thậm thà thậm thụt bởi mấy bà chợ đen bên ngoài cầm giỏ bu lại có giá chào mời cao hơn hẳn. Bán cũng sợ nhưng không bán cho mấy bà phe phẩy thì tiếc không ngủ được. Lại nữa là chuyện con heo nuôi cả năm trời trầm trầy trầm trật bán cho thương nghiệp Nhà nước quá rẻ nên xót của mà bán cho con buôn thì sợ đủ điều, lại nên cũng cứ thậm thà thậm thụt.
Những quy định của Nhà nước về buôn bán ngoại tệ hay trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm bao giờ cũng xuất phát từ tình hình thực tế và đều tuân thủ những nguyên tắc về kinh doanh. Tuy nhiên, không phải bao giờ và trong bất cứ trường hợp nào cũng đúng, cũng phát huy hiệu quả. Ví như lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện nay, sau một thời gian ngắn được đẩy lên cao rất phấn khởi giờ lại thấp đến mức đáng buồn. Hệ luỵ dẫn đến là người gửi tiền mà đa phần là lao động nghèo hay người già, hưu trí chỉ biết méo mặt chịu trận, còn ngân hàng thì không huy động được vốn, kinh doanh đình trệ, lại phải nghĩ chuyện “phá rào, lách luật”, thậm thà thậm thụt, rất không đàng hoàng kia.
Đình Nam