Ai cũng thấy rõ kiểu kinh doanh bất minh, gây nên bao hậu quả đau lòng trong việc tuồn ra thị trường hàng loạt các loại mũ bảo hiểm kém chất lượng. Việc bán hàng lưu niệm Huế bằng các mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc khó nhìn nhận hơn nhưng lâu dài sẽ đánh mất niềm tin của khách hàng nơi phương xa về hàng lưu niệm Huế “rin”, điều mà bao người khao khát muốn được sở hữu khi có dịp may mắn đến Cố đô nổi tiếng bên dòng sông Hương này. Và, suy cho cùng, đó cũng là những biểu hiện ở những sắc thái khác nhau về kiểu làm ăn, kinh doanh mà dân gian ta từng có câu “tham bát bỏ mâm”.
Đời thường, đôi khi chỉ vì tham nhũng lợi lộc nhỏ mọn mà người ta quên đi những lợi ích lâu dài, to lớn. Vậy là đã “tham bát bỏ mâm”. Bát chỉ là phần nhỏ nằm trong mâm cỗ lớn. Cố giành lấy bát, quên rằng mâm cỗ còn nhiều hơn, còn to hơn, là tư tưởng tầm thường, được miếng nào hay miếng ấy, không biết nhìn xa trông rộng. Bởi vậy không có gì lạ khi thành ngữ “tham bát bỏ mâm” thường cũng được dùng để phê phán lối nhìn thiển cận, cách làm ăn manh mún, thiếu tính toán. Bỏ được tư tưởng “tham bát bỏ mâm” thì mới có thể tiếp cận được lối làm ăn lớn.
Suy rộng ra trong làm ăn kinh tế, chuyện “tham bát bỏ mâm” được nhìn nhận từ nhiều góc độ rất khác nhau. Không phải bao giờ cũng là sự gian dối cố ý mà trong rất nhiều trường hợp đó còn là nạn nhân của bối cảnh, của những tình thế khó khăn và cả sự hạn chế trong nhận thức. Chuyện ngư dân Thừa Thiên Huế gặp phải khó khăn khi thả nuôi tôm cá vụ hai ồ ạt mặc dù đã có nhiều khuyến cáo là một ví dụ. Hậu quả là phải nơm nớp trong cảnh “đánh bạc” với trời đất, đứng ngồi không yên bởi lo sợ bão lũ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Không chỉ có thế, đó còn là tình trạnh dịch bệnh phát triển lan tràn do ao hồ không có thời gian cải tạo, nhiễm bẩn lâu ngày tích tụ.
Cái lý của những ngư dân khi “liều” nuôi tôm cá vụ hai không theo sự khuyến cáo của các ban ngành chức năng hay phần nào đó là những người bán hàng lưu niệm Huế có xuất xứ từ Trung Quốc là bởi những áp lực nặng nề trong mưu sinh hằng ngày. Tuy nhiên, ngẫm nghĩ cho cạn nguồn, cạn nhẽ thì đó còn do cơ chế và chính sách vận hành kinh tế của đất nước cũng như địa phương trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay vẫn đang để lộ quá nhiều “khoảnh trống” làm sinh sôi và khuyếch tán dịch bệnh “tham bát bỏ mâm” vốn đã thâm căn cố đế từ lâu nay.
Đình Nam