Một trận chiến kỳ lạ, độc nhất vô nhị trong lịch sử. Người đời truyền tụng và sách vở cũng ghi rất cụ thể về dấu tích còn lại là Thành Lồi, nằm ngay tại địa phận tiếp giáp giữa làng Dương Xuân và Nguyệt Biều, nay thuộc Phường Đúc, Thủy Xuân và Thủy Biều. Nhiều công trình nghiên cứu về Thành Lồi và đã có nhưng ý kiến rất khác nhau. Chẳng hạn, sách “Đại Nam nhất thống chí” của Triều Nguyễn ghi: “Thành cũ Chiêm Thành ở làng Nguyệt Biều, huyện Hương Thuỷ. Tương truyền chúa Chiêm Thành ở đây, gọi là thành Phật Thệ, tục gọi Thành Lồi”. Trong cuốn “Cố đô Huế” , Thái Văn Kiểm cho rằng, Thành Lồi ở miền Hương Ngự vốn là thành Khu Túc. Hay ý kiến của một số nhà nghiên cứu trẻ gần đây cho rằng, toà thành là một căn cứ tiền tuyến, nơi đồn trú quân sự tại miền biên viễn cực bắc Champa để bảo vệ cho kinh đô của họ ở phía nam đèo Hải Vân - cụ thể là kinh đô Trà Kiệu cách 140km về hướng nam. Riêng tôi, mỗi lần ngang qua đây vẫn cứ mãi ám ảnh câu chuyện cổ tích về “tòa thành một đêm” đầy huyền ảo và mộng mị, gắn liền với một trong những huyền thoại đẹp nhất của lịch sử về đám cưới của nàng công chúa mang lại cho Tổ quốc vùng đất xứ Huế.

Câu chuyện “Thành Lồi” được viết tiếp khi kiến trúc sư người Pháp Bossard thiết kế đồ án nhà máy nước Vạn Niên. Công trình được xây dựng xong năm 1911 và ngay lập tức chính quyền bấy giờ quyết định phóng một trục lộ từ bờ sông Hương đi qua Thành Lồi. L.Cadière trong BAVH ghi tên trục lộ ấy là “route vers Tu Duc” (đường đến lăng Tự Đức). Dân gian một thuở gọi đó là “đường Thành Lồi”. Sau này, đường được một cái tên mang nhiều ý nghĩa là Huyền Trân Công Chúa, một con phố cho đến hôm nay vẫn còn lại dáng vẻ hoang sơ đến nao lòng, gợi lên hình ảnh về hành trình “nước non ngàn dặm” một thuở.

Tôi đi trên “đường Thành Lồi” tìm lại dấu xưa Thành Lồi một thuở huyền thoại. Thành Lồi đó còn lại dấu tích thành xưa dễ quan sát nhất chỉ là đoạn lũy đất nhô lên bên đường Huyền Trân Công Chúa. Tất cả gần đã bị xóa mòn và khỏa lấp bởi thời gian, bởi cuộc sống con người và còn bởi với nhiều lý do khác nữa. Hơn 5 thế kỷ đã đi qua rồi còn gì. Nghe đâu, thảng hoặc người ta đã tìm thấy những viên gạch vỡ có đặc điểm Chăm và nhất là một giếng nước Chăm cổ. Cũng nghe đâu, rằng xưa ở đây có ngôi miếu thờ Quốc vương Chiêm Thành mà dân quanh vùng gọi đó là miếu Mọi, miếu Hời, miếu Chiêm Thành. Miếu do chính vua Minh Mạng cho lập năm 1833, chỉ cách nay chưa tới 200 năm nhưng dấu xưa cũng đã phôi phai mất rồi. Bất chợt ùa về trong tôi là câu chuyện về ma Hời. Chuyện rằng, khi buộc di dời miếu Hời để mở con đường Huyền Trân Công Chúa nay, chính quyền thực dân buộc phải xây dựng một ngôi miếu khác tại Thành Lồi để thay thế (cũng đã không còn). Trước năm 1945, miếu thường xuyên được một mệnh phụ người Chăm trông nom, gọi là mụ Hời. Năm 1959, mụ Hời từ trần. Nghe đồn, thỉnh thoảng giữa đêm hôm khuya khoắt, mụ Hời hiện hồn khóc rấm rứt cùng cả đám ma Hời ở Thành Lồi.

Dấu xưa nhạt nhòa nhưng lại còn đó quá nhiều những ký ức Chăm xưa ở ngay trên vùng đất có tên gọi Thành Lồi này. Chợt nhớ mới đây không lâu có người vì quá tâm huyết đã nghĩ đến chuyện thành lập ở Huế một viện bảo tàng văn hóa nghệ thụât Chăm cùng với việc trùng tu, phục chế một đoạn ngắn Thành Lồi ngay giữa khuôn viên. Tại sao không nhỉ, khi đó là một phần của Huế xưa?

Đan Duy