Thứ gạo chiên thiệt lạ. Xưa ở quê, nồi cơm gạo chiên nấu lên là biết ngay liền hà. Không phưng phức như mấy thứ gạo hương, gạo de đồn rằng xưa dùng để tiến vua; cũng không dẻo thơm như các loại xôi nếp nhưng cơm gạo chiên lại mùi vị ấm giậm và đặc biệt là cơm nấu ra có màu đậu đỏ chẳng lẫn đâu được. Đó là giống lúa chính của vụ trái quê mình xứ Huế. Nó khác với các giống lúa hẻo rằn, hẻo trắng, lúa nước mặn… được gieo cấy chủ yếu vào vụ lúa mùa. Sau này mày mò sách vở, tôi được biết, tên gọi lúa chiên có người gọi là lúa chiêm, một giống lúa của người Chàm xưa. Nó còn mang một ý nghĩa đặc biệt theo cách giải thích của giáo sư Hoàng Phê trong cuốn “Từ điển tiếng Việt” là “sinh không đúng mùa, trái mùa”.

Hàng cháo gạo đã xuất hiện hơn 30 năm ở chợ Bến Ngự. Ảnh: HT

Có lẽ, như số phận các giống lúa xưa khác, cũng vì không còn hợp thời và đắc lợi nữa mà mấy chục năm rồi, lúa chiên và các giống cũ “phi thần nông” khác đã đi vào dĩ vãng. Để rồi một kẻ như tôi, vốn có nhiều hoài cổ như chiều nay chẳng hạn có dịp đi về Hương Phong (Hương Trà) nghe nông dân say sưa kể về việc trồng và thu lợi từ các loại lúa của một thời đã qua đó mà thấy giật mình, cảm nhận như phát hiện được cội nguồn hiện tại của đọi cháo gạo chiên buổi sáng vợ mua cho ăn và cũng như tìm được lại một ký ức xưa, nghèo khổ mà nhớ mãi không quên.

Thuỷ lợi ngoại đồng hay nội đồng có thể cải tạo được những cánh đồng lúa úng ngập sâu quanh năm ở làng Dạ Lê Thượng quê tôi hay các làng xã trên này ở Hương Thuỷ, Hương Trà...Thế nhưng, vẫn còn đó ở những vùng sâu trũng như Thuận Hoà, Vân Quật Đông ở Hương Phong với rất lắm bàu, nhiều bể. Ở đó quanh năm ngập nước có thể nuôi được tôm cá và trồng lúa, nhưng phải là những thửa ruộng không cần dụng công khoanh bờ đắp thửa và giống lúa trồng là thứ dài cây và dẻo dai, chịu được nước úng ngập dài ngày, không cần nhiều công chăm sóc và có thể phó mặc cho đất trời. Không loại nào chịu đựng và hữu dụng bằng các loại lúa chiên, chùm dâu, hẻo rằn, hẻo trắng, hẻo chùm, hẻo tía, lúa chịu mặn… mà nay vẫn gọi chung một từ là giống lúa địa phương một thời năng suất thấp.

Nhớ rồi xưa kia ở quê theo mẹ ra đồng. Mùa lúa đang tới này, lạnh nhất, lo nhất và cũng nhiều cảm xúc là mấy sào ruộng bàu, ruộng bể úng ngập. Trên này nhìn trời nhìn đất, mưa ngập mãi làm sao ngủ yên, chờ đến kỳ nước rút cạn. Và rồi, khi nước vẫn quá đầu gối và gió đông vẫn còn lạnh ngắt nhưng thời vụ đã cận kề, mạ đã cứng cáp thì cũng là lúc phải xuống đồng, xuống bể. Người chuyền mạ, kẻ chổng mông cấy lúa. Một lèo không nghỉ, xong việc có lúc một hai giờ chiều, vừa lạnh lại vừa đói, bước chân lên đập là về nhà luôn. Còn giữa sóng nước mênh mông, những cây mạ mới cắm xiêu vẹo trong gió và như bị nhấn chìm cả trong nước. Vậy mà một tháng, hai tháng, rồi ba tháng… cây lúa hẻo, lúa chiên vẫn đứng vững và phát triển, để rồi đúng ngày và đúng tháng, theo bước chân nông phu về nhà.

Tôi đã nghĩ sự tồn tại cho đến hôm nay những cây lúa của một thời xa xưa đói khổ kia như khả năng chịu đựng và thích ứng của con người xứ Huế phải gánh chịu bao nghiệt ngã của tiết trời khắc nghiệt. Và có vẻ như thời của những cây lúa chiên, lúa hẻo kia đang trở lại trong đọi cháo hay nồi cơm gạo lứt của những người nghèo cũng như các bệnh nhân phía trước cổng bệnh viện sáng nay, làm phong phú thêm giá trị ẩm thực Huế vốn đa dạng và giàu bản sắc.

Đan Duy