Mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là mục tiêu hàng đầu, đồng thời là động lực to lớn của cách mạng. Mở rộng dân chủ trong nội bộ của Đảng cầm quyền là hạt nhân, là tấm gương mẫu mực cho việc thực hiện dân chủ trong xã hội.

Nói đến giải pháp mở rộng dân chủ, Bác Hồ dạy: “Kinh nghiệm là: cơ quan nào mà trong lúc khai hội, cấp trên để cho mọi người có gì nói hết, cái đúng thì nghe, cái không đúng thì giải thích, sửa chữa, ở những cơ quan đó, mọi người đều hoạt bát mà bệnh “thì thầm thì thào” cũng hết”. Người còn khuyên cấp trên: “Không nên tự tôn, tự đại, mà phải nghe, phải hỏi ý kiến của cấp dưới. Nếu ý kiến các đồng chí cấp dưới đúng, ta phải nghe theo, khuyên họ thường đề thêm ý kiến, để nâng tinh thần và sáng kiến của họ. Nếu ý kiến của họ không đúng, ta nên dùng thái độ thân thiết, giải thích cho họ hiểu. Quyết không nên phùng mang trợn mắt, quở trách, giễu cợt họ…”.

Là đảng viên, ai cũng hiểu được rằng, thực hành dân chủ trong Đảng là động lực để tổ chức Đảng thực sự là hạt nhân lãnh đạo, tỏ rõ sức chiến đấu của Đảng. Thế nhưng, ở nhiều tổ chức cơ sở Đảng, trong sinh hoạt, đảng viên còn thụ động vào những ý kiến của những đảng viên có chức, có quyền, không khí tranh luận thiếu, đóng góp ý tưởng nghèo nàn, thậm chí nhiều đảng viên trong sinh hoạt Đảng ít hoặc không có ý kiến gì. Điều này cho thấy đảng viên thiếu trách nhiệm trong chuẩn bị sinh hoạt Đảng. Một thực tế khác cần nhìn nhận là do năng lực của đảng viên chưa ngang tầm, thiếu tinh thần học hỏi, rèn luyện nên không nắm bắt vấn đề, khó thảo luận cùng chi bộ về những nhiệm vụ, kế hoạch do chi bộ đề ra. Biểu hiện “nhất trí” với chi bộ chưa phải là điều tốt, xét về mặt nào đó có quá nhiều đảng viên “nhất trí” với nội dung sinh hoạt Đảng là điều cần xem lại chất lượng sinh hoạt Đảng. Nắm bắt nội dung sinh hoạt Đảng ở một số chi bộ thấy rằng có mấy vấn đề đáng quan tâm. Đó là, đảng viên có chức, có quyền thường xem thường ý kiến của đồng chí, đồng đội cấp dưới. Một vài lần như vậy, gây tâm lý trong đảng viên không muốn phát biểu nữa, bởi ý kiến của họ không được tiếp thu, ghi nhận. Đáng quan ngại hơn là có ghi nhận bằng miệng nhưng không thực hiện trong kế hoạch hành động. Sự cảnh báo trong sinh hoạt Đảng hiện nay là người lãnh đạo thành kiến với những đồng chí dám có ý kiến khác với mình. Họ thường quy kết độc đoán làm cho đồng chí mình nhụt ý chí. Hiện tượng này sẽ làm cho đảng viên đi đến chỗ thủ tiêu đấu tranh, né tránh, ngại va chạm, rơi vào tình trạng “dĩ hòa vi quý”. Chừng nào thực tế ấy còn tồn tại sẽ là nguy cơ của sự sa sút về chất lượng nội dung sinh hoạt Đảng. Do vậy, để thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng đòi hỏi phải tiến hành nhiều giải pháp thiết thực, có hiệu quả, nâng cao nhận thức, quan điểm và năng lực làm chủ của đảng viên. Cần đổi mới phương pháp lãnh đạo, đổi mới quy chế, quy trình sinh hoạt, lề lối làm việc của tập thể cấp ủy và tổ chức Đảng cho tới phong cách của người đứng đầu và thói quen cố hữu của đảng viên.

Khi người đứng đầu biết sử dụng công cụ tranh luận và biết lãnh đạo tranh luận, nó sẽ trở thành sức mạnh phát huy dân chủ rộng rãi trong Đảng. Được như vậy, mọi đảng viên sẽ tham gia bàn bạc và quyết định những vấn đề cốt lõi mà tổ chức Đảng đề ra. Biết lãnh đạo tranh luận, người đứng đầu phải là một cán bộ có năng lực làm chủ công việc, có phẩm chất, đạo đức trong sáng, khách quan trước những ý kiến trái chiều. Cuối cùng là biết kết luận vấn đề mà mọi người chấp nhận một cách tự giác. Người ta thường nói tâm phục khẩu phục thì việc gì cũng thành công. Ngược lại, khi người đứng đầu có năng lực nhưng phẩm chất và đạo đức có vấn đề thì rõ là khó trong điều hành dân chủ trong Đảng. Hoặc như, dù có phẩm chất, đạo đức tốt mà năng lực không ngang tầm cũng khó bề khơi dậy không khí tranh luận trong Đảng.

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, trong sinh hoạt Đảng, để phát huy dân chủ thực sự cần xây dựng ý thức bình đẳng giữa các đảng viên. Không có bình đẳng giữa các đảng viên thì không thể có dân chủ trong Đảng. Hễ là đảng viên của Đảng, dù ở cương vị nào, tuổi Đảng bao nhiêu… đều ngang quyền nhau trong việc bàn bạc, quyết định và thực hiện các công việc của Đảng, không có đặc quyền, đặc lợi. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ tư tưởng cấp bậc, ngôi thứ, óc quan liêu, gia trưởng hoặc mặc cảm và tự ti. Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình gắn với việc giữ gìn kỷ luật của Đảng. Kinh nghiệm cho thấy, không có tự phê bình và phê bình thì không thể có dân chủ đầy đủ trong sinh hoạt Đảng và cũng không giữ được nghiêm kỷ luật của Đảng. Đi đôi với tự phê bình và phê bình, cần xử lý kỷ luật một cách nghiêm minh, công bằng, phân biệt rõ tính chất sai lầm của từng vụ việc.

Để thực hành dân chủ trong Đảng đạt hiệu quả cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế giám sát trong Đảng. Cấp dưới giám sát cấp trên, đảng viên giám sát lãnh đạo. Kết hợp kiểm tra từ trên xuống với giám sát từ dưới lên. Tăng cường hoạt động giám sát trong Đảng là điều quan trọng hàng đầu của dân chủ trong nội bộ Đảng, vì vậy, giám sát cũng là một hình thức kiểm tra. Đó là kiểm tra từ dưới lên.

Thực hành dân chủ rộng rãi trong nội bộ Đảng đi đôi với dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội là phương thuốc hiệu quả nhất ngăn chặn bệnh quan liêu, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, góp phần tạo chuyển biến mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Chiến Hữu – Văn Chính