Hơn 500 năm sau kể từ khi Dương Văn An viết “Ô Châu cận lục”, trong buổi chiều mùa thu nhạt nắng, tôi đã đi dọc theo dòng Linh Giang, rồi quay ngược trở lại làng Thanh Phước, xưa gọi là Hoằng Phước, một trong 67 làng của huyện Tư Vinh cũ, để từ đó cận cảnh ngắm nhìn ngã ba Sình từ phía dưới lên. Một cảm giác thật khó tả về cảnh trí sông nước, xóm làng như dồn tụ tất thảy về chốn này. Nếu ngã ba Tuần, nơi hợp lưu của hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch, khép lại cảnh thác nguồn hùng vĩ để mở ra một thế giới đô hội, thì ở ngay ngã ba Sình này lại tiếp tục lần cuối hợp lưu, lần này với con sông Bồ lịch sử để kết thúc hành trình 104 km của Hương Giang và 94 cây số của Bồ Giang, bởi phía trước đã là đầm phá và biển cả mênh mông.
Chạnh nhớ, hơn 700 năm trước, đám cưới của công chúa họ Trần tên gọi là Huyền Trân với vua Chăm Chế Mân mang về cho nước Việt hai châu Ô, Lý. Cũng vào thời điểm từ năm 1306 đó mở đầu cho hành trình mở cõi hành tiến về phương Nam của người dân Việt. Ngắm nhìn địa thế nơi giao hoà giữa đất liền và sông nước của ngã ba Sình này, cửa ngõ từ biển vào Thuận Hoá, có người đã nghĩ đến bước chân đầu tiên của Huyền Trân đã đặt xuống nơi đây. Đúng 100 năm sau, vào năm 1407, cũng ngay ở vùng đất ngã ba Sình này, nơi có thành Hoá Châu lịch sử ghi dấu cuộc chiến oai hùng của cha con Đặng Tất- Đặng Dung trong cuộc chiến kháng Minh do Trần Ngỗi phát động. Phảng phất trong chiều tà mênh mang miền sông nước, tôi như bắt gặp hình bóng kẻ anh hùng lỡ vận Đặng Dung với câu thơ bi hùng: “Thù trả chưa xong đầu đã bạc/ Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày”.
Dưới này Thanh Phước. Đối diện qua một nhánh sông Bồ ở sát ngay góc hợp lưu với sông Hương là làng Thuỷ Tú. Chuyện rằng, ngài Lê Đại Lang có công phò giá các chúa Nguyễn. Khi nhà chúa luận công, ông có nguyện vọng làm khai canh một làng cạnh dinh phủ Phú Xuân. Do hết đất canh tác, triều đình đã cắt cho một dải đất hẹp ở cuối làng Triều Sơn và ban cấp cho quyền được thu thuế thuỷ sản vùng mặt nước sông Hương và phá Tam Giang. “Thuỷ diện thế vi điền”, một đặc ân hy hữu. Không có nghề nào khác, một thời Thuỷ Tú nổi tiếng là làng “đánh bạc”, một kiểu thức “casino” ở ngã ba Sình. Còn bên kia dòng Hương là làng Sình nổi tiếng, địa chỉ cuối cùng về phương Nam còn lưu giữ truyền thống đấu vật, một sinh hoạt văn hoá đặc trưng của người Việt. Không xa là thành cổ Hoá Châu lừng danh và cũng không xa nữa thương cảng Thanh Hà- Bao Vinh một thời sầm uất.
Cận cảnh ngã ba Sình huyền thoại, chiều nay trong tôi đầy xúc cảm…
Đan Duy