Trước năm 1975, mặc dù đã quay 4 phim truyện, trong đó có những phim do đạo diễn nước ngoài đảm trách nhưng ông chỉ thật sự nổi bật khi hợp tác với các hãng truyền hình nước ngoài như NHK của Nhật, ABC và CBS của Hoa Kỳ thực hiện các phim phóng sự và tài liệu, chủ yếu là về đề tài chiến tranh ở Việt Nam.

Nhà quay phim Lê Đình Ấn đang tác nghiệp tại phim trường. Ảnh: Internet

Sau giải phóng, Lê Đình Ấn trở thành nhà quay phim cho Hãng phim Giải phóng.

Nhờ có tay nghề vững vàng nên ông được nhiều đạo diễn tên tuổi tin cậy mời hợp tác.

Khán giả ở Huế nhiều người đã từng được xem bộ phim truyện như: Cô Nhíp, Trận tuyến trên sông, Lê Thị Hồng Gấm, Cư xá màu xanh, Ngọn lửa Krông Jung, Về nơi gió cát, Xa và Gần, Cho đến bao giờ, Lối rẽ trái trên đường mòn, Đất lạ, Về đời, Cơn lốc đen, Chân dung màu đỏ, Có một tình yêu như thế, Con thuyền bị đánh đắm, Bản tình ca cuối cùng, Trang giấy trắng...

Đặc biệt, những bộ phim truyện lấy Huế làm bối cảnh, với hiểu biết sâu sắc của mình nhà quay phim Lê Đình Ấn đã chuyển tải thành công nội dung của kịch bản và ý đồ của đạo diễn. Chính ông đã cùng với Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đã góp công làm tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của nhà văn Phùng Quán trở thành bộ phim truyện đặc sắc nhất hay phim Bụi Hồng do Hồ Quang Minh Đạo diễn từ kịch bản của nhà văn Ngụy Ngữ.

Đạo diễn Huy Thành cho biết, sau khi nhận lời quay cho bộ phim màu đầu tiên ở miền Nam sau giải phóng, nhà quay phim Lê Đình Ấn sau khi tham khảo tài liệu đã tự mình mày mò quay và in thử. 6 tháng sau, ông mới dám khẳng định rằng: quay được, tạo tiền đề để ông tiếp tục quay các bộ phim màu như Bản tình ca cuối cùng.

Nhờ thực hiện thành công rất nhiều bộ phim nên nhà quay phim Lê Đình Ấn đã được Đạo diễn J.J. Annaud mời cùng tham gia quay bộ phim truyện Người Tình.

Đồng nghiệp của ông nhận xét: khi nhận một kịch bản, Lê Đình Ấn đọc rất kỹ và tự mình phác thảo những cảnh dự định quay, dù ai cũng biết: ý tưởng khuôn hình là của đạo diễn nên ông thường trao đổi, góp ý cho đạo diễn để lúc ra hiện trường họ phối hợp với nhau rất ăn ý, nhờ vậy mà trước khi từ giã cõi đời ông đã để lại cho hậu thế nhiều bộ phim nổi tiểng nhờ khả năng làm chủ máy quay với những cú bấm máy đẹp, góp phần nêu bật được ý tưởng chủ đạo của phim.

Nhà quay phim, Nghệ sĩ ưu tú Lê Đình Ấn vĩnh biệt chúng ta ở tuổi 82.

Đạo diễn Phạm Hữu Thu (Chi hội trưởng Điện ảnh Việt Nam tại Huế)