Lãnh đạo các nước thành viên EU và giới chức liên minh chụp ảnh chung tại Hội nghị ở Rome. (Nguồn: EPA/TTXVN) |
Tuyên bố Rome được xem là kết quả chủ yếu của Hội nghị thượng đỉnh EU kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Rome được tổ chức ở thủ đô Rome của Italy.
Tuyên bố Rome nhấn mạnh tới một liên minh độc đáo với các thể chế chung và các giá trị mạnh mẽ, một cộng đồng hòa bình, tự do, dân chủ, nhân quyền và có sự thượng tôn pháp luật.
Theo Tuyên bố Rome, các nhà lãnh đạo EU khẳng định quyết tâm làm cho liên minh này trở nên mạnh mẽ hơn và kiên cường hơn thông qua sự thống nhất, đoàn kết và tôn trọng các nguyên tắc chung.
Các nhà lãnh đạo EU bày tỏ mong muốn về một liên minh an toàn, thịnh vượng, có sức cạnh tranh, bền vững và có trách nhiệm xã hội trong 10 năm tới, với ý chí và năng lực đóng vai trò then chốt trong thế giới toàn cầu cũng như trong việc thúc đẩy toàn cầu hóa.
Tuy nhiên, liên quan đến đường hướng tương lai cho EU, Tuyên bố Rome chỉ kêu gọi các nước thành viên hành động cùng nhau với các tốc độ và cường độ khác nhau. Ngoài ra, Tuyên bố Rome cũng khẳng định EU sẽ để ngỏ cánh cửa cho những nước muốn gia nhập EU sau này.
Một số nhà phân tích đánh giá kết quả đạt được của Hội nghị chỉ ở mức khiêm tốn. Nguyên nhân là do Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Anh đang chuẩn bị kích hoạt tiến trình rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, vào ngày 29/3. Một số nhà lãnh đạo châu Âu đã tỏ ý bi quan trước việc Anh rời khỏi EU.
Đáng chú ý, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker phát biểu tại Hội nghị rằng Lễ kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rome không có sự tham dự của Anh là một "thời khắc rất đáng buồn." Theo ông Juncker, việc Anh rời EU là một "thảm kịch" cho cuộc gặp của 27 quốc gia thành viên EU ở Rome.
Thậm chí Ba Lan ngay tới phút chót mới chấp nhận ký Tuyên bố Rome. Điều này cho thấy sự bất đồng, rạn nứt trong EU vẫn đang hiện hữu do những lợi ích, quan điểm khác nhau của mỗi nước.
Mặc dù trong Tuyên bố Rome, các nhà lãnh đạo EU khẳng định sẽ tìm kiếm sự thống nhất và đoàn kết hơn nữa, nhưng đã thừa nhận một thực tế là EU đang đối mặt với những thách thức chưa từng có, cả trong nội khối cũng như trên phạm vi toàn cầu, từ các cuộc xung đột khu vực, nạn khủng bố, sức ép người di cư, chủ nghĩa bảo hộ cho đến những bất bình đẳng kinh tế và xã hội.
Quan trọng nhất, Hội nghị vẫn chưa đề cập được đường hướng tương lai rõ ràng cho EU, chưa quyết định được kịch bản nào mà liên minh này nên theo đuổi trong số năm kịch bản được nêu trong Sách trắng EU công bố mới đây./.
Theo Vietnam+