Dịch vụ được hiểu là những thứ tương tự hàng hoá nhưng phi vật chất. Có những sản phẩm thiên về sản phẩm hữu hình và những sản phẩm thiên hẳn về sản phẩm dịch vụ, tuy nhiên đa số là những sản phẩm nằm trong khoảng giữa sản phẩm hàng hóa-dịch vụ. Theo đó, khái niệm ngành dịch vụ đã bao trùm các lĩnh vực du lịch, văn hoá, thương mại, giáo dục, y tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, truyền thông… Là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, dồi dào tiềm năng, vị thế thuận lợi, lại có bề dày truyền thống, việc xác định phát triển các loại hình dịch vụ là thế mạnh hàng đầu của Thừa Thiên Huế được xem là hoàn toàn hợp lý. Vấn đề là bài toán đầu tư được tính toán ra sao để có thể khai thác và phát huy tốt nhất những lợi thế có được. 

Sự phát triển ngành dịch vụ của Thừa Thiên Huế đã tạo nên những bất ngờ thú vị. Một phép tính so sánh cho thấy, nếu như năm 2005, tỷ trọng dịch vụ du lịch chiếm khoảng 43% GDP, sang năm 2010 là 45,2 % thì năm 2012 là 48%. Kế hoạch phấn đấu cho năm 2013 là 48,9% và dự kiến đến năm 2015 sẽ là 50%. Một biểu đồ phát triển đi lên không chỉ trong cơ cấu tỷ trọng mà còn cả trên thu nhập thực tế. Chỉ tính riêng trong năm 2012 này, du lịch dịch vụ là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất 12,8% so với kế hoạch đề ra 13%, trong khi công nghiệp xây dựng chỉ chạm mức 8,5% so với kế hoạch 14,5 đến 15% và nông lâm ngư nghiệp là 2,2% so với mức phấn đấu 2,3%. Sự phát triển và chuyển dịch của ngành dịch vụ du lịch trong cơ cấu kinh tế chung của Thừa Thiên Huế vượt qua dự kiến là một dấu hiệu vui.

Hội tụ những giá trị văn hóa-lịch sử vật thể và phi vật thể được công nhận là “di sản văn hóa thế giới” có nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp cả rừng và bờ biển… Thừa Thiên Huế có nhiều ưu thế đặc biệt để phát triển du lịch. Trong cách nhìn của nhiều người, thế mạnh phát triển dịch vụ của Thừa Thiên Huế được hiểu chính là du lịch và trong thực tế, hiệu quả mà ngành du lịch mang lại cũng đã đáp ứng được kỳ vọng đó. Ước tính cả năm 2012, tổng lượng khách du lịch đến Huế đạt mức 2,2 triệu, trong đó lượt khách lưu trú đạt 1,7 triệu lượt, tăng 8% và doanh thu du lịch ước đạt 1.395,5 tỷ đồng, tăng 26,5%.

Các loại hình dịch vụ, đặc biệt là du lịch vốn rất “nhạy cảm” với những biến động thị trường và các tác động xã hội. Nhìn lại năm 2012, dễ dàng nhận thấy ngành dịch vụ du lịch đã được hưởng lợi từ sự kiện Năm Du lịch Quốc gia. Nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là Festival Huế 2012 được xúc tiến. Không ít tour du lịch có điểm đến là Cố đô Huế được tổ chức. Đó được xem là cú hích tích cực để ngành dịch vụ du lịch có được sự phát triển mang tính đột phá. Còn để có được sự phát triển mang tính bền vững và lâu dài, lại phải nghĩ đến chiến lược đầu tư đồng bộ về hạ tầng, nguồn nhân lực với những bước đi phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Đó là vấn đề đặt ra rất đáng suy nghĩ đối với một vùng đất như Thừa Thiên Huế có thu nhập từ dịch vụ du lịch chiếm đến gần một nửa GDP. 

Đình Nam